Rạn da phải làm sao?

21/12/2015 05:05 GMT+7

Bạn gái ở tuổi dậy thì, phụ nữ sau khi sinh thường mất ăn mất ngủ khi phát hiện những vết rạn trên làn da mới ngày nào còn mơn mởn của mình.

Bạn gái ở tuổi dậy thì, phụ nữ sau khi sinh thường mất ăn mất ngủ khi phát hiện những vết rạn trên làn da mới ngày nào còn mơn mởn của mình.

Rạn da là hiện tượng những đường rãnh teo da dài và hẹp thường xuất hiện khi da bị căng kéo quá mức và lâu ngày hay do mất cân bằng về nội tiết. Chúng được hình thành từ từ một cách thầm lặng mà bản thân người bệnh cũng không nhận biết được. Các vết rạn ban đầu có màu hồng tím, sau đó nhạt màu dần thành màu trắng xà cừ và không bao giờ biến mất một cách tự nhiên. Rạn da là hậu quả của sự biến đổi ở da như teo mô liên kết hay giảm số lượng các sợi collagen và elastine, điều này thể hiện qua sự mất tính đàn hồi của da và làm mất thẩm mỹ.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, nguyên Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM, cho biết rạn da không từ một ai, nhưng có một số đối tượng thì nguy cơ bị cao hơn, chẳng hạn nữ thường bị rạn da hơn nam. Theo đó, rạn da thường gặp nhất là ở người có thai, ước tính có khoảng 75 -90% sản phụ bị rạn da ở bụng do da bị căng khi thể tích bụng tăng dần theo sự phát triển của thai nhi. 70% thiếu niên nữ và 40% thiếu niên nam ở tuổi dậy thì bị rạn da do sự phát triển nhanh chóng hệ cơ, xương. 10% người béo phì bị rạn da do lượng mỡ dưới da dư thừa quá mức gây căng da.
Làm sao phát hiện ?
Theo bác sĩ Huy Hoàng, bệnh thể hiện trên lâm sàng là những dải da teo hình đường dài và hẹp, bề ngang từ 0,5 đến vài cm, chiều dài nhiều cm. Bề mặt nhẵn bóng, hơi lõm xuống, màu đỏ tím hay màu xám, nâu, có khi hình răng cưa. Số lượng nhiều, thường đối xứng. Rạn da có trục song song với chiều căng của da: ở bụng như tỏa tia quanh rốn, thành hàng ngang ở vùng thắt lưng, quanh xương bánh chè, có chiều thẳng đứng ở vùng chậu, đôi khi có hình vòng ở đùi. Sang thương không thẳng mà ngoằn ngoèo, song song với nhau, hiếm khi nối với nhau hay phân nhánh.
Lúc mới xuất hiện, rạn da thường có màu đỏ tía, bề ngang căng rộng, sau đó nhạt màu dần và hẹp lại, cuối cùng mờ đi, không lộ rõ. Thường sờ mới thấy sang thương lõm xuống chứ nhìn thường khó thấy.
Da ở đâu hay rạn ?
Rạn da gặp ở những vùng chịu lực căng của cơ và ở những vùng nhiều mô mỡ: vùng thắt lưng, mặt sau cánh tay, đầu gối, vú ở phụ nữ, ở bụng (vùng quanh rốn và hố chậu), mông, đùi.
Theo bác sĩ Huy Hoàng, khi bị rạn, da có sự giảm thiểu rõ rệt về số lượng các sợi đàn hồi nhưng kích thước không thay đổi mặc dù bị đứt khúc, các sợi collagen không sắp xếp thành bó mà có khuynh hướng nằm thành hàng ngang. Các fibroblast (nguyên bào sợi) bị bất hoạt nghĩa là không có hoạt tính chuyển hóa, không sinh sợi fibrin.
Ai thường bị rạn da ?
Như đã đề cập ở trên, phụ nữ có thai dễ bị rạn da nhất (90% sản phụ bị rạn da, xuất hiện vào tháng thứ 6 - 8). Rạn da được thành lập do sự căng da trong thai kỳ, vị trí ở bụng, bề ngang lớn và có màu tím ở những sản phụ da trắng, màu nâu đen ở sản phụ da màu sậm và có khuynh hướng nhạt màu, mờ dần sau sinh, theo bác sĩ Huy Hoàng.
Nhiều người cho rằng chỉ có thai phụ mới bị rạn da, thực tế không phải vậy. Bệnh này xuất hiện khá phổ biến ở tuổi dậy thì, trong đó nữ thường bị nhiều hơn nam. Vị trí thường gặp là mặt trong đùi, mông, đầu gối (vùng quanh xương bánh chè). Nguyên nhân là trong giai đoạn này, cơ và xương phát triển nhanh, tạo áp lực lớn lên da.
Người béo phì thường rạn da ở vùng hông, đùi, trường hợp nặng có ở cánh tay, cẳng chân. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân tăng cân nhanh, rạn da thường sâu và rộng, màu đỏ tía, ưu thế ở bụng và ở gốc tứ chi.
Đôi khi rạn da xuất hiện ở những người tập luyện thể thao quá mức, nhất là ở tuổi thiếu niên, bất kể cân nặng bao nhiêu. Rạn da theo đường ngang, thường thấy ở vùng lưng, thắt lưng và ở đùi, mặt sau cánh tay, ở ngực (phần sát với nách) thường gặp ở người tập tạ, thể hình. Rạn da thường nhiều, xếp thành nhiều tầng và rất giống những vết xé da nhỏ. Đây là kết quả của việc chịu một áp lực mạnh và lặp đi lặp lại của mô liên kết trong bì.
Việc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể khiến bạn bị rạn da, điển hình là rạn da trong hội chứng Cushing do sử dụng corticoid liều cao và kéo dài, kể cả việc điều trị Corticoide tại chỗ, gây ra rạn da lớn, dài và sậm màu hơn, tồn tại vĩnh viễn, nhất là gần các nếp gấp nơi mà thuốc được ngấm nhiều. Trong trường hợp này, rạn da có hình đường dài trông như xuất huyết xảy ra khi điều trị với Etretinate do sự dễ vỡ cơ học của da.
Rạn da cũng có thể có yếu tố di truyền, tuy nhiên vấn đề này hiện giới chuyên môn chưa thấu hiểu hoàn toàn.
Chữa được không ?
Những vùng da như đất ruộng trong mùa hạn hán là nỗi đau không hề thầm kín của chị em. Câu hỏi đặt ra là liệu có cách nào xóa hẳn những vết rạn xấu xí kia không? Theo bác sĩ Huy Hoàng, người ta có thể làm mờ vết rạn nứt và hạn chế hình thành vết rạn nứt mới chứ không thể điều trị hết hẳn.
Để khắc phục tình trạng rạn nứt da, nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin và chế độ thể dục thể thao phù hợp để tăng sức dẻo dai của các sợi đàn hồi. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số thuốc bôi ngăn ngừa phần nào rạn da có bán trên thị trường. Trong dân gian, đôi khi người ta dưỡng da bằng sữa bò, dầu ô liu, lòng trắng trứng giúp làn da mịn màng, bớt bị khô. Trong y học, có thể dùng sóng RF (Radio Frequency) can thiệp để giúp giảm rạn da.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.