Sống mòn bên bãi rác, hàng trăm hộ dân khắc khoải đợi di dời

Khánh Hoan
Khánh Hoan
16/01/2019 10:06 GMT+7

Nhiều năm qua, hàng trăm người dân ở xã Nghi Yên (H.Nghi Lộc, Nghệ An) sống khổ sở khi bãi rác khổng lồ được quy hoạch sát cạnh nhà, trong khi việc di dời đến nơi ở mới vẫn không biết bao giờ được thực hiện.

Không thở nổi vì khói đốt rác bao phủ

Căn nhà của gia đình ông Trần Đình Lương (xóm 4, xã Nghi Yên) chỉ nằm cách bờ rào bãi xử lý rác thải Nghi Yên chừng 100 m. “Từ khi bãi rác này hoạt động vào năm 2011, chúng tôi không được bữa nào ăn ngon ngủ yên. Cả ngày lẫn đêm, đều phải hứng chịu mùi hôi thối và mùi khét của lò đốt rác”, ông Lương nói.
Chỉ vào cái khay nhử bẫy ruồi bằng thuốc đang để trên bàn, ông Lương bảo, mùa này lạnh nên đỡ, chứ vào mùa nắng nóng thì ruồi nhặng đầy nhà, một ngày nhử được mấy khay ruồi. Nhưng mùa mưa lạnh thì người dân ở đây lại phải hứng chịu mùi khói của lò đốt rác nằm trong khu xử lý rác. Trời ẩm ướt, khói đốt không bay lên được, cứ quẩn quanh khu vực này, gây mùi rất khó chịu, đau đầu. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phải di dời dân sớm, nhưng đến đã 7 năm rồi, vẫn chưa di dời được”, ông Lương bức xúc.

Cạnh nhà ông Lương là căn nhà đang xây dở, đã đổ xong mái. Căn nhà này của gia đình ông Nguyễn Xuân Khanh, đang xây dở thì phải bỏ đi nơi khác vì quá ô nhiễm. Ngôi nhà và khu vườn bỏ hoang, con trai ông Khanh là anh Nguyễn Xuân Khôi tận dụng để nuôi gà. “Ở đây, nhiều hôm khói bao phủ cả vùng không thở được. Mùi hôi của rác còn chịu được, chứ mùi khói từ lò đốt bay ra thì rất buồn nôn, nhất là những ngày ẩm ướt”, anh Khôi nói.
Dù sống cách bãi rác khoảng 400 m, nhưng ông Phùng Bá Đô (ngụ xóm 4, xã Nghi Yên) cũng than thở và bức xúc vì ô nhiễm từ bãi rác. “Mùa hè, nhiều bữa trời rất nóng nhưng ban đêm, chúng tôi vẫn phải đóng hết các cửa sổ vì không chịu được mùi hôi và khét. Nước giếng đào cũng chuyển sang đen ngòm, bốc mùi hôi, không ai dám sử dụng. Trẻ con nhiều cháu phải đi viện vì bị viêm phổi. Chúng tôi đã nghe chính quyền hứa sẽ cho tái định cư ở nơi mới từ nhiều năm nay, nhưng mãi không thấy thực hiện”, ông Đô nói.
Khu xử lý rác thải Nghi Yên hoạt động từ năm 2011, là nơi trực tiếp thu nạp, xử lý rác thải của TP.Vinh và một số huyện của tỉnh Nghệ An. Từ khi bãi rác này hoạt động, bức xúc vì ô nhiễm, người dân ở xóm 4 đã nhiều lần ra đường chặn xe rác, không cho vào bãi xử lý. Chính quyền H.Nghi Lộc đã nhiều lần đến vận động người dân, hứa sẽ đề nghị tỉnh sớm di dời dân, nhưng 75 hộ dân ở đây từ 7 năm qua vẫn chưa thể đến nơi ở mới.

Chưa bố trí tái định cư được vì thiếu tiền

Ông Hoàng Phúc Nam, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Yên, cho biết năm 2010, trước khi bãi rác hoạt động, có 39 hộ dân đã di dời để lấy mặt bằng làm khu xử lý rác. Sau nhiều năm dân kêu ca vì ô nhiễm và họ phải dùng đến biện pháp ra đường chặn xe chở rác, đầu năm 2017, UBND H.Nghi Lộc khảo sát các hộ dân bị ảnh hưởng, báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An về phương án di dời các hộ dân. Hiện, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư rộng gần 6 ha tại xóm 3, xã Nghi Yên, với tổng vốn là 51 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa triển khai được vì thiếu tiền.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Lộc, cho biết số tiền hơn 50 tỉ đồng là để đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Còn nếu tổng dự án bồi thường, hỗ trợ di dời tái định cư các hộ dân phải tốn khoảng 200 tỉ đồng. Do vốn mới được bố trí 50 tỉ đồng, chỉ đủ để bồi thường đất ruộng sản xuất của người dân bị di dời, nên việc đưa số hộ dân này khỏi vùng ô nhiễm chưa thể thực hiện được.
Ông Thái Văn Nông, Phó giám đốc Sở TN-MT, thừa nhận việc ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải Nghi Yên là có, và cho hay Sở đã yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cấp lò đốt, hạn chế khói xả ra môi trường, hạn chế nước chưa xử lý từ bãi rác rò rỉ ra môi trường. Tháng 8.2018, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan có các biện pháp đảm bảo môi trường tại bãi rác này, đồng thời, yêu cầu UBND H.Nghi Lộc hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng hạ tầng tái định cư trong thời gian sớm nhất. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.