Bác sĩ ơi: Thai phụ chụp X-quang, có gây sẩy thai, dị tật thai nhi?

22/01/2017 09:09 GMT+7

'Đang hoang mang và lo lắng vì lỡ chụp X-quang và sau đó phát hiện có thai. Vậy thai nhi có sao không bác sĩ?', chị Ngô Thanh Hà (27 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) hỏi.

Chị Hà phát hiện mình có thai được 5 tuần. Trước đó, chị đã chụp X-quang phổi.
Theo bác sĩ Lê Tiểu My, Bệnh viện Mỹ Đức, rất nhiều thai phụ hỏi cùng một nội dung và hoang mang vì lỡ chụp X-quang khi có thai. Các thai phụ sợ sẩy thai, sợ em bé trong bụng không phát triển hoàn thiện hay có dị tật, vấn đề gì về sức khỏe.
Bác sĩ My khẳng định: “Nguy cơ em bé trong bụng người mẹ bị ảnh hưởng bởi một lần chụp X-quang là rất thấp”. Cụ thể hơn, bác sĩ My giải thích:
- Về sẩy thai: Tia X không làm tăng nguy cơ sẩy thai với liều tia xạ nhỏ hơn 5 rad (đơn vị đo lường). Bản thân mỗi phụ nữ khi mang thai đều có 3-15% nguy cơ sẩy thai sẵn có, bất kể có chụp X-quang hay không.
- Về ảnh hưởng đến sự phát triển của thai: Nguy cơ dị tật thai cũng không đáng kể (ngay cả liều 10-20 rad). Thai phát triển chậm nếu chụp X-quang trong giai đoạn sớm của thai kỳ và phải có liều đến 50 rad.
- Về nguy cơ bé ung thư: Nếu chụp X-quang ở giai đoạn sớm của thai kỳ, với liều tia xạ lớn hơn 5 rad thì nguy cơ này tăng 0,3 - 1%. Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Mỹ (CDC), nguy cơ này cũng tồn tại sẵn 0,3% dù mẹ có tiếp xúc tia xạ trong khi mang thai hay không.
X-quang và từng giai đoạn thai kỳ
Theo bác sĩ My, ở mỗi giao đoạn thai kỳ, mức độ ảnh hưởng của tia X đến thai nhi cũng khác nhau. Cụ thể:
- Ở hai tuần đầu thai kỳ: nguy cơ sẩy thai khi liều tia X lớn hơn 5 rad.
- Ở tuần thứ 3-8: nguy cơ ảnh hưởng thai khi liều tia xạ trên 20-30 rad.
Nguy cơ em bé trong bụng người mẹ bị ảnh hưởng bởi một lần chụp X-quang là rất thấp Ảnh: Shutterstock
- Sau tuần thứ 20: thai nhi phát triển khá hoàn chỉnh và nguy cơ sẩy thai không tăng khi chụp X-quang.
“Việc này ít xảy ra vì cũng không nhiều người mang thai đến 20 tuần mà chưa biết mình có thai. Việc chụp X quang giai đoạn này nhằm chẩn đoán và thường bác sĩ chỉ định đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ”, bác sĩ My nhận xét.
Liều, vị trí chụp X-quang và ảnh hưởng đến thai nhi
Bác sĩ My cho biết nguyên cứu về liều X-quang thai nhi hấp thụ (đơn vị rad) trên mỗi lần chụp của mẹ theo từng vị trí chụp và số lần chụp có thể gây ảnh hưởng:
- Mẹ chụp X-quang phần đầu: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,004/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì thai phụ phải chụp X-quang đến… 1.250 lần.
- Răng (nha khoa): ước đoán thai nhi hấp thụ 0,0001/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 50.000 lần chụp.
- Cột sống cổ: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,002/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 2.500 lần chụp.
- Tay, chân: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,001/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 5.000 lần chụp.
- Ngực: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,00007/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 71.429 lần chụp.
- Vú: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,02/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 250 lần chụp.
- Bụng: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,245/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 20 lần chụp.
- Cột sống thắt lưng: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,359/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 13 lần chụp.
- Khung chậu: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,04/lần chụp. Vì vậy, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 125 lần chụp.
“Không có kỹ thuật chụp X-quang nào gây hại cho thai với một lần chụp. Liều dưới 5 rad không làm tăng nguy cơ gì cho thai, liều có thể gây dị tật cho thai có thể trên 15 rad”, bác sĩ My kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.