Tiền đâu tiêu Tết: Xe ôm công nghệ chật vật, lần đầu ăn Tết... tha hương

18/01/2021 12:12 GMT+7

Năm " Covid " 2020 là một năm thiếu thốn trăm bề của giới xe ôm công nghệ . Hành khách sụt giảm mà tài xế thì ngày một nhiều, phần lớn các tài xế gắng gượng cố cho qua cái Tết Tân Sửu sắp tới.

Càng về cuối năm, nhiều tài xế xe ôm công nghệ càng phải làm việc vất vả hơn để lo cho cái Tết nguyên đán sắp tới. Dù làm việc 14 - 15 tiếng/ ngày, nhiều người chia sẻ thu nhập vẫn giảm 1/3 so với trước. Tết với họ vẫn đang ở rất xa…

Đón Tết nơi đất khách quê người

Chị Hằng (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) và chồng đều là tài xế công nghệ hãng Baemin vì thoải mái về thời gian. Tuy nhiên, năm 2020, chị bị giảm 1/3 thu nhập, có ngày chỉ kiếm 200.000 – 300.000 đồng. Chị cho rằng lượng tài xế tăng cao trong khi nhu cầu khách hàng không nhiều là nguyên nhân chính khiến thu nhập của chị và chồng bị giảm sút.
“Có ngày tôi chỉ giao được mười mấy đơn hàng, vì còn phải về chăm cho con nhỏ, còn chồng tôi chạy chính. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ nuôi con và trang trải chi phí sinh hoạt trong này, nên năm nay chúng tôi sẽ không về quê đón Tết như mọi năm. Đây có lẽ là cái Tết xa quê đầu tiên của tôi”, chị Hằng tâm sự.

Năm nay, phần lớn thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ đều giảm mạnh, có người giảm đến 50%.

Ảnh: Cảnh An

Vì là cái Tết đầu tiên nơi đất khách quê người, chị Hằng cho biết vẫn chưa có dự định nào cho cái Tết đang đến gần. Chị chia sẻ: “Ở trong này thì không có người thân nên cũng không biết ghé thăm ai vào dịp tết tới. Tôi cũng chưa biết sắm sửa ra sao, trước mắt cứ lo làm việc kiếm tiền đã”.
Không phải lo chuyện về quê đón Tết như chị Hằng vì gia đình ở TP.HCM, anh Võ Đặng Hoàng Tùng (30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), tài xế Grab chia sẻ Tết Tân Sửu này sẽ là một cái Tết thiếu thốn hơn mọi năm nhiều lần.

Nhiều người chạy 14 - 15 tiếng/ ngày mới đủ trang trải cuộc sống

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Anh Tùng bị mất việc ở công ty cũ do dịch Covid-19, buộc anh phải chuyển sang chạy Grab để kiếm sống, trước khi tìm kiếm được công việc mới. Vợ anh cũng bị mất việc do dịch, nên anh đang là lao động chính trong gia đình, nuôi vợ và 2 con nhỏ.
“Thời điểm bùng dịch đầu tiên, TP giãn cách xã hội, có ngày tôi chỉ chạy được vài chục nghìn đồng, chủ yếu là giao đồ ăn thôi. Bây giờ cuộc sống trở lại bình thường thì thu nhập của tôi khoảng 500.000 - 600.000 đồng, cũng chỉ vừa đủ nuôi vợ con thôi, chứ cũng không dư nổi”, anh Tùng nói.
Anh cho biết những năm trước còn làm ở công ty, thưởng Tết lên đến 20 triệu đồng, đủ sức lo cho gia đình một cái Tết ấm no nhưng năm nay “coi như bỏ”. Anh tâm sự: “Bây giờ đi làm ngày nào tiêu hết ngày đó luôn, tại nuôi cả gia đình mà, nên cũng không có dư ra nữa. Tết đến thì vẫn phải đón thôi chứ không thể bằng mọi năm được, chỉ cố sao cho các con có gì đó để ăn Tết, còn mình thì thôi”.
Anh Tùng cho biết năm nay mình sẽ chỉ nghỉ Tết 2 ngày là 30 Tết và mùng 1, sang mùng 2 sẽ chạy trở lại để kiếm tiền, bởi chạy xe ngày Tết sẽ được nhân đôi điểm thưởng.

Không có việc gì thì... đi về nhà

Nhiều tài xế chưa có gia đình chọn về quê ăn Tết sớm, bởi năm nay đã có quá nhiều khó khăn đối với họ. Nhiều người chia sẻ có ở lại cũng chẳng làm được gì.
Anh Phạm Văn Đức (23 tuổi, quê Thanh Hóa), tài xế của hãng Now tâm sự năm nay là một năm đầy khó khăn với anh. Thu nhập giảm sút, công việc vất vả, Đức cho biết sẽ về quê ăn Tết sớm hơn mọi năm.

Càng ngày có càng nhiều người chuyển sang chạy xe ôm công nghệ

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Anh tâm sự: “Tôi đi giao đồ ăn cũng được hơn một năm rồi, nhưng năm nay ế quá. Tài xế thì đông hơn mà khách đặt hàng thì có khi còn ít hơn, vì người ta cũng thất nghiệp thì lấy đâu tiền mà đặt đồ. Trước dịch tôi chạy 10 tiếng/ngày được 25 đơn, bây giờ phải chạy 14 - 15 tiếng mới đủ. Tiền kiếm được cũng chỉ vừa tiền xăng xe và sinh hoạt thôi, không có dư”.
Anh cho biết năm ngoái những ngày gần Tết đơn đặt hàng nhiều, tiền thưởng của hãng cao hơn nhưng năm nay cắt giảm hết, do vậy anh quyết định về quê ăn Tết sớm. “Ngày kiếm tiền triệu thì còn ở lại làm thêm chứ giờ kiếm vài ba trăm thì ở lại làm gì, về sớm ăn Tết cho rồi”, anh Đức cho biết.

Dù cuối năm không mấy dư dả nhưng anh Tuấn vẫn hy vọng về một cái tết trọn vẹn, ấm cúng bên gia đình

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Anh Phạm Thanh Tuấn (31 tuổi, quê An Giang) cho biết trước đây anh vừa đi làm công ty vừa chạy Grab buổi tối. Đầu năm dịch bùng phát thì anh nghỉ chạy, chỉ đi làm công ty. Cách đây một tháng thì anh nghỉ hẳn công ty quay về chạy chạy Grab để kiếm tiền "nóng" xoay sở cho nhiều khoản cuối năm.
Dù từ sáng đến chiều chỉ chạy 2 - 3 cuốc nhưng anh Tuấn vẫn lạc quan khi nói về dự định trong năm mới: "Nhà tôi ở An Giang, Tết này chạy xe máy về dưới nên cũng không lo tiền xe cộ gì, ăn Tết ở miền Tây thì vô tư vì dưới quê có gì ăn đó. Tầm này năm ngoái một ngày tôi có thể kiếm gần cả triệu nên ăn tết lớn còn năm nay chắc độ hoàng tráng giảm một nửa. Nói chung không dư dả bao nhiêu nhưng năm nay mà như vậy thì đã may mắn hơn nhiều người lắm rồi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.