Dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, những con đường ẩm thực Vạn Kiếp, Phan Xích Long... đìu hiu khi hầu như chỉ có shipper ra vào các quán. Để phòng dịch, rất nhiều người chọn cách đặt mua và được giao hàng tận nơi để hạn chế đi lại. Vậy những món nào được đặt mua nhiều trong những ngày qua?
PV Thanh Niên đã thực hiện một khảo sát nhỏ với 10 shipper thuộc nhiều công ty ở các khu vực Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, Q.Gò Vấp, Q.3… về những món ăn được họ giao nhiều vào thời điểm giãn cách. 9 người trong số đó cho biết cơm, trà sữa và gà rán là các món họ thường giao, trong đó có những món chiếm hơn 50% số đơn hàng của họ trong một ngày. Người còn lại nói rằng các món ăn về gà được họ giao nhiều hơn cả.
“Cơm, trà sữa, gà rán vẫn là số 1”
Đầu giờ trưa, anh Lê Đặng Tuấn An (29 tuổi, ngụ Q.2, là shipper NowFood) đi dọc đường Đặng Thùy Trâm (P.13, Q.Bình Thạnh) tìm địa chỉ để giao đồ ăn cho khách. Tới nơi, anh cẩn thận treo phần nước phía trước cửa, rồi gọi khách xuống lấy.
Shipper đeo khẩu trang và kính ngăn giọt bắn, đứng giữ khoảng cách. Chờ đến khi thấy khách nhận hàng vào nhà, anh mới lấy tiền rời đi. Anh An cho biết việc giữ an toàn cho mình và mọi người là nguyên tắc hàng đầu khi giao hàng trong mùa dịch.
|
Vốn làm trong một nhà hàng khách sạn có tiếng tại TP.HCM, dịch ập đến khiến anh An phải tạm nghỉ rồi làm shipper để có tiền trang trải. Anh tâm sự lúc dịch mới bùng phát, thu nhập của anh cũng khá, mỗi ngày chạy từ 10 giờ sáng đến 17 giờ cũng được 500.000 - 700.000 đồng. Tuy nhiên sau một thời gian, anh nói mỗi ngày mình chỉ kiếm được 300.000 - 400.000 đồng vì “nhiều người đã về quê tránh dịch hết rồi, nhiều người tự nấu ăn, dè xẻn trong chi tiêu nên đơn cũng có phần giảm”.
Khi được hỏi món ăn nào được anh giao nhiều nhất mùa dịch, shipper này tiết lộ: “Nhiều nhất là trà sữa, rồi tới cơm, gà rán, bún bò, phở, bún cá, mì quảng, nui xào, hủ tiếu xào… Mới hôm kia tôi nhận một đơn hơn 30 ly trà sữa KOI cho một nhóm bạn”.
Shipper này thống kê một ngày, anh chạy được 30 đơn thì 15 đơn (tức 50%) trà sữa, hơn 25% cơm và gà rán, còn lại là những món ăn khác.
Trong khi đó, anh Công Minh (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, là shipper Beamin) thường giao món ở khu vực đường Bình Lợi lại cho biết món ăn mà khách đặt nhiều nhất là các món cơm.
|
|
Anh Minh hiện là sinh viên, mùa dịch vẫn phải học online nên mỗi ngày chủ yếu giao hàng vào buổi trưa từ 10 giờ tới 14 giờ và buổi tối nếu rảnh rỗi. Anh thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày, tương đương với việc hoàn thành từ 20 - 25 đơn hàng.
“25 đơn thì có tầm 15 đơn là khách đặt cơm rồi, chắc cũng tầm 60% - 70% đó. Chủ yếu là các món cơm tấm, cơm sườn và cơm gà. Tôi nghĩ lúc này hàng quán đóng cửa nên ít sự lựa chọn, với lại tôi chủ yếu chạy buổi trưa nên khách đặt cơm nhiều là đúng. Nhiều người cũng đặt thêm trà sữa, các món nước…”, anh cho biết.
Mất việc vì dịch Covid-19, anh Tuấn (26 tuổi, ngụ Q.12, tài xế GrabFood) cũng chọn công việc giao đồ ăn ở khu vực Q.1, Q.3 để có tiền. Anh nói vì mình mới đi làm nên chưa có nhiều kinh nghiệm, chạy từ 8 giờ đến 22 giờ nhưng chỉ được gần 20 đơn. “Cơm, trà sữa, gà rán vẫn là nhất, khách đặt nhiều lắm. 3 món đó cũng cỡ 80% đơn hàng rồi. Còn lại khách cũng đặt bánh mì, bún, phở…”, anh Tuấn cho hay.
“Thèm bán tại chỗ, thèm ăn tại quán”
Đúng như tiết lộ của các shipper, tôi khảo sát các quán ăn chuyên bán các món cơm, trà sữa và gà rán ở nhiều nơi tại TP.HCM thì thấy người đến mua về vẫn đông đúc hơn so với những nơi bán các món ăn khác.
|
|
Đi dọc đoạn đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp) thời điểm giãn cách, cơm tấm Cây Khế là một trong những quán hiếm hoi còn mở bán mang đi và shipper tới lui thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (40 tuổi, chủ quán) cho biết: “Cơm là món ăn không thể thiếu của người Việt rồi, nên vẫn có khách ủng hộ. Với lại tôi cũng có mối ruột, không đến ăn được thì người ta đặt mua về nên cũng không tới nỗi nào”.
Với hơn 4 chi nhánh tại vẫn còn hoạt động tại Q.Gò Vấp, mỗi ngày quán cơm chị Dung bán cho hàng nghìn lượt khách. Chỉ quán quán của mình, chị nói đây là quán chính với hơn 20 nhân viên. Thời dịch, dù may mắn trụ lại vì khách vẫn ủng hộ, tuy nhiên doanh thu của quán giảm đến 70%, một số nhân viên bị giảm giờ làm.
“Trước dịch, ngày chi nhánh này bán 1.000 phần thì giờ bán 300 phần là cùng. Thậm chí mỗi ngày bị hủy mười mấy hai chục đơn vì người ta đặt cơm bên ngoài Q.Gò Vấp, shipper không qua chốt kiểm dịch được”, chủ quán tâm sự.
Tương tự, quán cơm của bà Ngọc Liễu (55 tuổi) ở đường Đặng Thùy Trâm (Q.Bình Thạnh) cũng là quán hiếm hoi còn bán ở khu vực này. Những ngày qua khi chỉ bán mang về, doanh thu quán giảm hơn 60%, bà phải giảm nhân viên và tự giao đồ ăn cho khách để tiết kiệm.
|
“Lúc này còn bán được đã là may mắn, phần vì tôi nấu ngon với 30 món khác nhau, phần vì đã có mối ruột nên vẫn còn trụ được. Mấy quán gần đây đóng cửa hết rồi vì bán không có lời”, chỉ vào hàng quán bên cạnh, bà Liễu nói.
Bà Liễu cũng mong dịch bệnh sớm qua để mình được bán tại chỗ trở lại như bình thường vì việc buôn bán mang về tốn thêm nhiều chi phí phát sinh và không đảm bảo hết được độ ngon của món ăn.
Chị Khổng Thùy Chân (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) làm việc online tại nhà mùa dịch. Để tiết kiệm thời gian nấu nướng, chị thường đặt món qua ứng dụng, chủ yếu là cơm và trà sữa. “Mấy quán ăn vặt khác tôi thích đóng cửa hết rồi, nên không biết ăn gì ngoài 2 món đó hết. Thực sự là rất muốn được tới quán ăn như hồi chưa có dịch chứ ăn ở nhà hoài như vậy cũng không thấy ngon”, chị tâm sự.
Bình luận (0)