TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Người Sài Gòn vẫn luôn hào hiệp ‘ở đây tặng cơm gà’

21/06/2021 09:39 GMT+7

TP.HCM bùng phát dịch Covid-19 , trên mạng xã hội nhiều người nói rằng ‘Sài Gòn trọng thương’. Dù vậy, người Sài Gòn vẫn dễ thương, nấu tới 3.500 phần cơm gà để những người bán vé số, shipper, người mất việc có ‘một bữa no’.

“Ở đây mến tặng cơm gà, ăn cùng một trái chuối già rất ngon. Bà con mình ăn cơm dzui dzẻ nha. Thương mời” – đúng 12 giờ trưa, tấm bảng dễ thương được kéo ra trước số 2 đường Cao Thắng (P.5, Q.3, TP.HCM).
Sau khi mua khoai lang tím từ Đồng Tháp lên “mến tặng” người Sài Gòn, nhóm phát thấy nhiều người đến nhận khoai nhưng bụng vẫn đói meo nên quyết định nấu 3.500 phần cơm gà để người nhận có ngay bữa trưa mà không cần đợi thêm thời gian chế biến.

Mến tặng cơm gà, tặng kèm cả thơ trong ngày “Sài Gòn trọng thương” vì Covid-19

No bụng rồi mưu sinh

200 phần cơm gà hết vèo trong 5 phút, những người tới nhận đa phần áo quần đều rộng xộc xệch, lấm lem, xấp vé số, bao ve chai vẫn còn trên tay. Đây là 200 trong số 3.500 phần cơm gà do chị Nguyễn Ngọc Hà (người làm kinh doanh ở TP.HCM) kêu gọi bạn bè đóng góp để phát miễn phí cho những người lao động nghèo ở Sài Gòn trong đợt dịch Covid-19 này.

Chỉ trong một buổi tối, chị Hà đã kêu gọi được bạn bè chung sức làm 3.500 phần cơm gà để phát miễn phí

Ảnh: Vũ Phượng

Người dân đến trước 5 phút chờ nhận cơm gà

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Hà cho biết, giá bán tại quán của chị hiện là 49.000 đồng/phần, nhưng lấy thực phẩm từ nhiều mối quen, có giá tốt nên gọi mọi người chung tay, chi phí nguyên liệu khoảng 15.000 đồng/phần, công chế biến, bếp và các phần khác đều do nhân viên của chị Hà góp sức.
Chị Hà Kiết Trân (đại diện nhóm phát cơm gà) chia sẻ, nhóm đổi từ phát khoai sang phát cơm vì muốn người nhận có thêm bữa cơm đầy đủ hơn, no bụng hơn, tăng sức đề kháng trong mùa dịch.
Kế hoạch của nhóm là phát cơm vào 12 giờ và 17 giờ mỗi ngày, mỗi lần phát từ 150 – 200 suất trong vòng 10 ngày. “Ban đầu nhóm dự tính phát 3.000 phần nhưng nhờ thêm anh chị bạn bè hỗ trợ lên đến được 3.500 phần, đây là món quà nhỏ cho anh chị cơ nhỡ, không có việc làm trong thời gian này có phần cơm đầy đủ hơn”, chị Trân kể.

Mỗi phần cơm gà đều kèm 1 trái chuối tráng miệng

Ảnh: Vũ Phượng

Cơm gà được đóng hộp cẩn thận trước khi phát

Ảnh: Vũ Phượng

Vừa sắp xếp mọi người đứng giãn cách, vừa xịt khuẩn, vừa phát cơm cho những người đến nhận, mỗi người một việc trong thời gian ngắn nhưng mồ hôi đã rơi tòng tòng. Chị Trân cho hay chị rất xúc động và xót lòng khi thấy có nhiều người đến nhận, không giống như nhóm chị, cả ngày họ phải bám lấy đường phố để mưu sinh. Gặp dịch bệnh, việc kiếm bữa ăn qua ngày càng khó hơn gấp bội.

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

“Thương mời”

5 phút trước giờ phát cơm, nhiều người bán vé số, shipper, ve chai, bảo vệ đã đứng chờ sẵn. Cầm xấp vé số trên tay, bà Trần Xuân Lan (60 tuổi, tạm trú Q.1) lóng nga lóng ngóng nhìn vào phía bên trong chờ phát cơm. Thấy có thêm người đến nhận, bà khua tay nói: “Đứng xa nhau ra mọi người ơi, phòng dịch đi. Người ta nấu cơm cho mình rồi đừng để người ta bị phạt vì mình tụ tập”. Nghe tiếng bà Lan, mọi người cũng quay qua quay lại bảo nhau đứng cách mấy ô gạch để giữ khoảng cách.

200 phần cơm phát hết vèo trong 5 phút

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Lan quê Phú Yên, vào Sài Gòn bán vé số hơn chục năm nay. Mấy năm đầu, bán được bao nhiêu bà lo gửi về quê phụ con cái trả nợ hết, mới từ năm ngoái, nợ xong xuôi, bà mới bắt đầu tích cóp để sau này dưỡng già.
“Những đợt dịch trước, tôi đi cả ngày, nửa đêm mới về còn được 150 vé, lời 150 ngàn đồng. Còn giờ hàng quán đóng hết, ngoài đường không có ai, ế lắm. Không dám mua gì ăn, trưa thường nhịn, 4 giờ chiều về nhà trọ ăn cùng mọi người cho đỡ tốn. Nay thì có hộp cơm này, không phải nhịn nữa rồi”, bà xúc động nói.

Người đến nhận cơm gà miễn phí đa phần là lao động nghèo

Ảnh: Vũ Phượng

Anh Nguyễn Ngọc Tâm (36 tuổi, tài xế công nghệ) đứng xếp hàng chờ nhận cơm nhưng cứ khép nép, nhìn tới nhìn lui. Thấy PV hỏi thăm, anh đáp: “Tôi nhìn xem có ai cao tuổi nhường họ lên nhận trước. Tôi nhịn một bữa không sao, chứ người già ngang tuổi cha mẹ mình mà phải nhịn thì không đành. Giờ hàng quán không cho ăn tại chỗ, mua mang đi có quán còn tính thêm 2.000 hoặc 4.000 tiền hộp nữa, nghèo còn gặp eo”.
Từ sáng đến quá trưa, anh Thành mới chạy được 30.000 đồng cho 2 đơn giao hàng. Nghĩ tới khoản tiền nhà trọ, tiền ăn uống hằng ngày cho vợ con, anh chẳng dám mua gì cho bản thân, hộp cơm bằng số tiền kiếm được cả buổi sáng lại càng không.
Mấy hôm trước, anh đến nhận đơn cho khách thấy nhân viên quán thông báo từ ngày 20 có phát cơm, nên trưa nay ở gần trung tâm, anh đã ghé sang để nhận.

Những phần cơm giúp người lao động nghèo no bụng ngày dịch

Ảnh: Vũ Phượng

Với công việc bán vé số, chẳng mấy khi họ dám mua một hộp cơm đùi gà lớn như vậy

Ảnh: Vũ Phượng

Ông N.T.L (gần 70 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) mặc chiếc áo sơ mi ngả màu, đeo hai lớp khẩu trang lọc cọc đạp xe đến nhận cơm cũng gật đầu cảm ơn. Ông cho biết, ông lên Sài Gòn thuê trọ để trị tai biến, giờ dịch không thể về quê được.
“May mà người Sài Gòn còn thương, tới bữa đạp lòng vòng vẫn có các điểm phát cơm miễn phí. Tôi thấy vui lắm, dù hộp cơm nhỏ nhưng ấm tình người, tôi trân trọng sự chia sẻ này vì đang lúc khó khăn nhưng người Sài Gòn vẫn lo cho nhiều người khác”, ông L. bày tỏ.
200 suất cơm hết sạch trong 5 phút, nhóm phát cơm đang dọn dẹp thì một người đàn ông trung niên, dáng nhỏ, cầm cọc vé số đến ú ớ chỉ vào miệng, vào tai như muốn nói điều gì đó. Chị Trân ra hiệu nhắc ông đứng đợi, chạy vội vào bếp làm phần cơm đùi gà, thêm trái chuối ra mời ông dùng.
Nhận phần cơm, người đàn ông lại khua tay ra hiệu, gật đầu lia lịa cảm ơn. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt giờ chính Ngọ, ông bán vé số liêu xiêu bước đi, tiếp tục công cuộc đi tìm khách trên dãy phố đóng cửa im ỉm. "Sài Gòn trọng thương" là vậy, nhưng người Sài Gòn vẫn luôn dễ thương, gặp khó khăn vẫn sẵn sàng dang tay giúp người khó hơn mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.