Theo Sở GTVT TP.HCM, từ 0 giờ ngày 20.6, TP.HCM tạm dừng vận tải hành khách công cộng đường bộ đối với các loại hình: xe buýt, xe khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển, xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ, xe taxi (trừ các phương tiện được Sở GTVT công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết).
Với thông báo này, thì các xe ôm công nghệ và shipper vẫn hoạt động bình thường.
Thông báo này được đưa ra sau khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM quyết định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch từ tối 19.6. Trước thông tin trên, nhiều tài xế taxi, tài xế taxi công nghệ chỉ biết thở dài, vì đây không phải là lần đầu tạm ngưng, nhưng các nỗi lo thì vẫn còn đó.
Vay nợ bù tiền ngân hàng
Ông V.L.Đ (48 tuổi, tài xế xe công nghệ) cho biết, sau hơn 20 năm làm tài xế chạy thuê, 3 năm trước ông mới dành dụm được chút vốn, vay thêm ngân hàng để mua xe ô tô 7 chỗ, đăng ký làm tài xế taxi công nghệ.
Thời gian đầu, chạy xe Đà Nẵng vào mùa du lịch, khách quốc tế tấp nập, thu nhập sau khi trừ các khoản phí vừa đủ để ông trả nợ ngân hàng, xoay xở cuộc sống.
|
Nhưng từ 2020, dịch Covid-19 xuất hiện, không đón khách du lịch nên thu nhập giảm rõ rệt, cả ngày ngoài đường app chỉ nổ vài cuốc. Số tiền kiếm được không đủ để trả tiền ngân hàng hằng tháng. Ông phải xin chuyển hoạt động vào khu vực TP.HCM.
"Tại TP.HCM dù không có khách du lịch nhưng khách là công sở, nhu cầu đi lại cao. Chỉ cần tôi chịu khó cày cuốc thì app nổ cuốc liên tục. Không sợ không có khách, chỉ sợ không có sức thôi. Nhưng đầu tháng 5.2021 trở đi, dịch TP.HCM bắt đầu căng thẳng, tình trạng ế ẩm trở lại, mỗi ngày kiếm có 200 - 300 ngàn chưa trừ phí. Tới khi giãn cách xã hội thì gần như không có khách. Mà ngân hàng có cho giãn nợ đâu, mỗi tháng vẫn đều đều 8 - 10 triệu, tôi phải vay nợ để đóng, không là bán xe luôn", ông Đ. kể.
Ông K.L (52 tuổi, tài xế taxi) cũng cho biết, từ 31.5.2021, TP.HCM giãn cách xã hội, người dân tự ý thức hạn chế đi lại, hàng quán cũng không mở nên số tiền kiếm được cũng chưa thấm tháp vào đâu. "Tài xế có nhà ở Sài Gòn còn đỡ, anh em nào đi thuê trọ chắc chỉ có đường vay nợ mới lo được", ông L. bộc bạch.
Tài xế được hỗ trợ thế nào?
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM kiêm Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, tại TP.HCM hiện có khoảng 10.000 tài xế taxi, riêng hãng Vinasun có khoảng 5.000 tài xế. Từ vài ngày trước, Vinasun đã vừa hỗ trợ từ 400 - 500 ngàn đồng cho tài xế, vừa tạo điều kiện để tài xế taxi tạm ứng lương, tổng số tiền hỗ trợ đến hiện tại gần 7 tỉ đồng.
|
"Từ khi giãn cách xã hội tại TP.HCM theo Chỉ thị 15 vào ngày 31.5.2021, nhu cầu đi lại đã ít hơn, nên tài xế nào đang ôm xe chạy thì công ty hỗ trợ 500 ngàn đồng, tài xế tạm ngưng thì 400 ngàn đồng. Dù không đáng bao nhiêu nhưng là tấm lòng của công ty chia sẻ với anh em. Với anh em vài trăm ngàn lúc này cũng quan trọng lắm. Tới đây ngưng xe taxi thì phải tính thêm nữa", ông Hỷ thông tin.
Theo Phó tổng giám đốc Vinasun, trong đợt này, hãng được Sở GTVT cho phép 200 xe hoạt động để phục vụ người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.
Ông Hồ Anh Dương - Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Mai Linh thì chia sẻ, công ty đang nhanh chóng tiến hành lắp đặt vách ngăn trên taxi tại một số địa phương sớm nhất có thể. Đến nay, đã có hơn 10 tỉnh/thành lái xe taxi Mai Linh đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 1 mũi và 2 mũi.
|
Ông Dương nói: "Công ty đã linh hoạt áp dụng các chính sách kinh doanh phù hợp từng dòng sản phẩm dịch vụ như: giảm % phí quản lý cho xe hợp tác kinh doanh, hỗ trợ tỷ lệ trong doanh thu áp dụng phù hợp theo từng công ty, địa phương, tùy tình hình kinh doanh thực tế tại từng đơn vị. Qua đó, tài xế, nhà đầu tư ổn định kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề cao những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất tinh thần của lái xe như một người đồng hành cùng anh em trong giai đoạn này".
Đại diện Grab cũng cho biết, thực hiện yêu cầu của Sở GTVT để phòng, dịch Covid-19, hiện tại trên app các dịch vụ 4 bánh (GrabCar 4 chỗ, 7 chỗ) đều tạm ngưng. Trong mỗi đợt phải tạm ngưng, công ty đều có chính sách chuyển đổi tài xế từ 4 bánh sang 2 bánh, nếu tài xế có nhu cầu có thể tiếp tục chạy.
|
"Những ngày này nhu cầu đi siêu thị, vận chuyển hàng hóa, giao hàng của khách qua app tăng cao, nên khi chuyển sang 2 bánh, tài xế ngoài chở khách có thể chạy thêm các dịch vụ này để tăng thu nhập", đại diện Grab chia sẻ.
Đại diện Be Group cũng cho hay, công ty đã tắt dịch vụ beCar (4 chỗ, 7 chỗ) và beTaxi, dịch vụ beBike và beDelivery vẫn hoạt động bình thường. Hiện Be thực hiện song song 2 chương trình hỗ trợ tài xế là: tài xế có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và tài xế nhiễm Covid-19, phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà bị mất hoàn toàn thu nhập.
Bình luận (0)