Giếng nước phải bỏ hoang
Đơn thư của người dân xã Nam Hưng gửi Báo Thanh Niên phản ánh, trại lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc được xây dựng từ năm 2010 với quy mô hàng nghìn con lợn mẹ sinh sản, trong quá trình hoạt động trại lợn này đã xả thải, khiến hồ thủy lợi Tràng Đen bị “bức tử”.
Gần 400 hộ dân sử dụng nguồn nước từ hồ Tràng Đen để sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều giếng nước của người dân bị nhiễm bẩn.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, hệ thống xả thải của trại lợn trên được thiết kế với các hồ lắng và một bể lọc bằng cát sạn. Bình thường, lượng nước xả thải ít, nước được thu gom qua bể xử lý bằng cát sạn này.
Tuy nhiên, người dân sống gần trại lợn cho biết, khi lượng nước xả thải lớn hoặc trời mưa, nước thải không kịp qua bể lọc mà chảy tràn ra các hồ chứa rồi đổ thẳng ra hồ Tràng Đen.
“Cứ khoảng 7 - 8 giờ tối, họ lại xả một lượng nước rất lớn, còn trời mưa thì nước cứ tự do chảy thẳng ra hồ, không qua bể lọc. Vào ngày nắng, nước bốc mùi hôi thối, khiến chúng tôi không dám mở cửa nhà”, anh Phạm Minh Đức, một người dân sống gần trại lợn này, nói.
Trại lợn được xây dựng ở đầu nguồn nước dẫn vào hồ Tràng Đen, vì vậy, hoạt động xả thải của trại lợn khiến hồ chứa nước ngọt rộng 30 ha, có dung tích chứa gần 3 triệu m3 nước bị “bức tử”.
Anh Phúc Văn Huy (ngụ xóm Tràng Đen, xã Nam Hưng) cho biết, khi chưa có trại lợn, nước hồ trong xanh, người dân ra tắm và sử dụng nước để ăn uống, sinh hoạt. Nhưng từ khi trại lợn hoạt động, nguồn nước bị ô nhiễm, bốc mùi, không ai dám tắm nữa. Nước từ hồ theo kênh tưới chảy qua các xóm khiến hàng chục giếng nước của dân cũng bị ô nhiễm theo.
Nằm cách mương dẫn nước khoảng 10 m, giếng nước của gia đình anh Đinh Chí Cường (ngụ xóm Tràng Đen) phải bỏ không vì ô nhiễm. Anh Cường cho biết, trước đây, nước giếng rất trong, nhưng nay nước chuyển sang màu đen không thể sử dụng để ăn uống được.
Gia đình anh Cường phải bỏ giếng, xây bể chứa nước mưa để trữ nước sử dụng. “Mương dẫn nước trước đây trong vắt, nhưng nay màu xanh đen, bốc mùi và côn trùng bám đầy hai bên bờ mương. Đêm, có ánh đèn, côn trùng kéo vào nhà khiến chúng tôi vô cùng khổ sở”, anh Cường nói.
|
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, cho biết hiện có 90 giếng nước của người dân bị ô nhiễm do nguồn nước thải của trại lợn, nước từ hồ Tràng Đen khi chảy ra các mương dẫn có màu đen và mùi hôi tanh.
Cũng theo ông Xuân, hồ Tràng Đen có cảnh quan đẹp, đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, một số doanh nghiệp đến khảo sát định đầu tư khai thác, nhưng từ sau khi tỉnh Nghệ An cho xây dựng trại lợn, thì không còn doanh nghiệp nào quay lại nữa.
Kêu nhiều nhưng chưa thấu
Sáng 9.8, hàng trăm người dân ở xã Nam Hưng đã kéo đến trại lợn kể trên để gây áp lực, yêu cầu ngừng xả nước thải ra hồ Tràng Đen. Lãnh đạo H.Nam Đàn sau đó đến kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư trại lợn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, chủ trì cuộc làm việc, cho rằng việc kêu cứu của người dân là có cơ sở, đang chờ kết quả kiểm tra các mẫu nước để kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An có phương án xử lý.
Cuối tháng 7 vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Nghệ An) đã lấy mẫu nước ở các hồ chứa, giếng nước nhà dân để kiểm tra sau khi hàng trăm người dân đồng loạt ký đơn yêu cầu di dời trại lợn này.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, cho biết trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền xã đã nhiều lần đề nghị có biện pháp để xử lý việc xả thải gây ô nhiễm hồ Tràng Đen, thậm chí người dân đề nghị di dời trại lợn, nhưng vẫn không được giải quyết.
Ông Xuân cũng cho biết, trại lợn cũng đã bị xử phạt 2 lần do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp này đã 2 lần thay đổi công nghệ xử lý nước thải, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để, khiến nước thải khi thải ra hồ tự nhiên có màu đen và bốc mùi.
“Theo giải thích của chủ trại lợn, nguồn nước thải từ trại lợn thải xuống hồ Tràng Đen đạt nước thải loại B, nhưng hồ này không chỉ là hồ chứa nước thủy lợi mà còn là nguồn nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân, trong khi nước thải loại B không thể sử dụng để sinh hoạt nên người dân bức xúc”, ông Xuân nói.
Bình luận (0)