Khốn khổ sống bên cạnh trại heo ngày đêm bốc mùi hôi thối

25/05/2020 08:39 GMT+7

Trại heo này đã từng bị xử phạt và cấm nuôi gần 2 năm để khắc phục hậu quả và đầu tư các hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường .

 Thế nhưng sau khi hoạt động trở lại từ đầu năm 2020 đến nay, trại chăn nuôi heo 10.000 con này tiếp tục bốc mùi hôi thối khiến người dân thôn 1 (xã Triệu Hải, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng) bức xúc, bất an.

Không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng

Trại chăn nuôi heo này được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2015, với quy mô 10.000 con. Trước đây, trại heo này là của Công ty TNHH Lê Đức Tiến, nhưng từ tháng 10.2019 trại heo được sang nhượng lại cho Công ty Trường Thịnh Farm. Theo người dân địa phương, nhiều năm qua, hơn 50 hộ dân, với trên 150 nhân khẩu khổ sở sống chung với hôi thối và ô nhiễm môi trường do trại heo này gây ra.
Người dân bức xúc chặn đường trại heo vào tháng 3.2018 (ảnh – người dân cung cấp)

Người dân bức xúc chặn đường trại heo vào tháng 3.2018

Ảnh: Người dân cung cấp

Trong 5 năm trở lại đây, không khí tại vùng quê này bị đảo lộn ngiêm trọng khi người dân nơi đây phải sống trong cảnh bức bối, ngột ngạt do trại heo gây ô nhiễm. Ông Trần Văn Đồng (thôn 1, xã Triệu Hải), bức xúc: “Suốt 5 năm qua, trừ thời gian trại heo ngừng hoạt động, còn lại bà con chúng tôi chẳng ngày nào được yên thân. Giờ họ (trại heo Công ty Trường Thịnh Farm) không xả nước thải trực tiếp ra môi trường như trước nữa, nhưng mùi hôi thối thì khủng khiếp vô cùng”.
 Ruộng vườn của người dân gần trại heo bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm

Ruộng vườn của người dân gần trại heo bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm

Ảnh: Người dân cung cấp

Ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối bủa vây làng xóm của trại heo đã được người dân thôn 1 (xã Triệu Hải) lưu thành “nhật ký” để tìm cách đối phó. Theo người dân, sáng từ 5 - 8 giờ, trưa thì 11 - 13 giờ, tối 17 - 19 giờ, còn khuya từ 23 giờ - 2 giờ sáng hôm sau là những giờ mùi thối nồng nặc đến nhức đầu. “Không chỉ đi làm đồng, mà ngồi trong nhà cũng phải đeo khẩu trang để ngăn hôi thối. Như nhà tôi, chỉ cách trại heo chừng 200 m nên lúc nào cũng sặc sụa mùi hôi thối. Tội nghiệp nhất là người già và trẻ nhỏ trong thôn thường xuyên ốm đau vì phải hít thở không khí ô nhiễm từ trại heo”, ông Trần Văn Trọng, ngụ thôn 1 (xã Triệu Hải) phản ánh.
Không chỉ hôi thối nồng nặc, nguồn nước và đất sản xuất của người dân nơi đây cũng bị ô nhiễm nặng. Theo ông Trần Hải Lâm, trước đây chưa có trại heo, bà con một năm trồng được hai vụ lúa, một vụ bắp. Thế nhưng sau khi xuất hiện trại heo, với số lượng lên tới 10.000 con, do nước thải tràn ra đồng khiến lúa bị lép hạt, năng suất giảm mạnh. Các vụ lúa trồng sau đó bị thối rễ, còn hoa màu cũng lên không nổi, bệnh thán thư, thối quả vô cùng nhiều… Xen trong cây trồng là cỏ mọc um tùm nên không thể trồng trọt, đành bỏ hoang. “Hiện tại, nguồn nước giếng đào trong thôn bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, bà con đã dùng rất nhiều cách xử lý như rắc phèn chua, xây bể lọc… nhưng vẫn không thể sử dụng. Giờ bà con phải mua nước bình để ăn, uống hàng ngày. Còn nước giếng chỉ để tắm rửa, giặt giũ, nhưng vì ô nhiễm nên ai cũng bị ngứa, ghẻ lở khốn khổ vô cùng”, ông Lâm nói trong bức xúc.

Đã nhiều lần bị xử phạt

Theo ông Trần Hải Lâm, trước đây, ông đã rất nhiều lần đại diện cho bà con thôn 1 (xã Triệu Hải) tham gia cùng cơ quan chức năng các cấp lấy mẫu kiểm nghiệm nguồn nước, không khí xung quanh khu trại heo. Thến nhưng, suốt 5 năm qua, bà con chưa một lần nhận được kết quả kiểm nghiệm. Đó chính là lý do khiến người dân địa phương bức xúc kéo nhau ra chặn đường xe vận chuyển cám của trại heo và đầu tháng 3.2018.
Người dân thôn 1, xã Triệu Hải (H.Đạ Tẻh) ngồi trong nhà cũng phải mang khẩu trang để đỡ mùi hôi thối phát ra từ trại heo

Người dân thôn 1, xã Triệu Hải (H.Đạ Tẻh) ngồi trong nhà cũng phải mang khẩu trang để đỡ mùi hôi thối phát ra từ trại heo

Ảnh: Trùng Dương

Còn theo ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND H.Đạ Tẻh, trước đây trại heo Triệu Hải do Công ty Lê Đức làm chủ, do gây ô nhiễm môi trường nên đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng 2 lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, với các hành vi như xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên, thải mùi hôi vào môi trường…; đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm và hỗ trợ thiệt hại cho người dân địa phương.
“Đặc biệt, ngoài việc bị xử phạt hành chính, thì vào tháng 3.2018, Công ty Lê Đức Tiến còn bị địa phương yêu cầu di chuyển gần 10.000 con heo ra khỏi trang trại để triển khai các biện pháp, hạng mục công trình đúng theo cam kết và quy định hiện hành của pháp luật. Sau khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải bảo vệ môi trường tại trại heo, qua kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường và cơ quan chức năng của huyện, thì các hạng mục công trình đã được chủ trại hoàn thành và cơ quan chức năng đồng ý để trại heo đi vào hoạt động chăn nuôi trở lại vào đầu năm 2020. Hiện tại, việc trại heo này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi chưa nhận được phản ánh của người dân. Vì thế, huyện sẽ kiểm tra lại và nếu có việc gây ô nhiễm thì địa phương sẽ vào cuộc xử lý", ông Bùi Văn Hùng cho biết.
Tuy nhiên phía Công ty Trường Thịnh Farm cho rằng, việc chăn nuôi khó tránh khỏi tác động đến môi trường. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chủ công ty Trường Thịnh Farm, giải thích: “Công ty đang từng bước gỉai quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chăn nuôi ảnh hưởng đến môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện tình trạng ô nhiễm do trại heo gây ra đã thuyên giảm rất đáng kể so với trước đây. Hiện tại, công ty không xả nước thải ra môi trường, còn mùi hôi thì chúng tôi đang dần khắc phục, nhưng cần có thời gian”.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, hôi thối do trại heo gây ra, hàng chục hộ dân thôn 1 (xã Triệu Hải, H.Đạ Tẻh) tiếp tục gửi đơn cầu cứu tới chính quyền địa phương và ngành chức năng các cấp. Với mong muốn nhanh chóng được can thiệp, trả lại cuộc sống trong lành vốn có trước đây cho bà con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.