Tranh cãi việc CSGT đi một mình có được thổi phạt, lập biên bản?

13/12/2019 12:09 GMT+7

Mới đây, nhiều người bị CSGT thổi phạt đã quay clip đăng tải trên mạng xã hội và tỏ vẻ bức xúc, khẳng định CSGT đi một mình không được quyền lập biên bản. Điều này có chính xác?

Gần đây, mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những clip cãi nhau giữa CSGT và người dân. Có thể kể đến clip một CSGT ở TP.HCM thổi phạt người đi đường, sau khi giải thích lỗi, hai bên lời qua tiếng lại và CSGT chửi tục. Ngay sau đó, clip được chia sẻ rầm rộ kèm bức xúc: “CSGT đi một mình mà dám lập biên bản!”.
Trước đó, một clip sự việc xảy ra tại Thủ Đức giữa CSGT và người lái xe cũng được chia sẻ nhiều trên diễn đàn về giao thông. Dù CSGT đang giải thích cho người quay clip hiểu CSGT hoàn toàn được đi một mình thì người quay clip vẫn to tiếng khẳng định: “Đi tổ công tác 3 người mới được lập biên bản”.

CSGT đi một mình có được quyền lập biên bản?

Trong một lần trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết Thông tư của Bộ Công an quy định CSGT được quyền dừng xe để kiểm tra trong các trường hợp cụ thể như sau:

Tuy nhiên, Thông tư Bộ Công an lại quy định CSGT đi một mình có quyền xử lý vi phạm

Độc Lập

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
CSGT tuần tra kiểm soát khi dừng xe thuộc một trong các trường hợp trên phải nhanh chóng lập biên bản để ngăn chặn hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh không làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông.
Lãnh đạo một đội CSGT ở TP.HCM cũng cho biết, CSGT đi một mình có quyền dừng xe để lập biên bản, xử lý vi phạm. Sau khi lập biên bản, CSGT ghi vào nhật ký xử lý vi phạm để báo cáo.
“Nhiều người ra vẻ hiểu luật nhưng là luật truyền miệng với nhau không có căn cứ chứ không nắm các quy định đúng với các văn bản pháp luật được ban hành. CSGT ra ngoài đường rất bị ức chế tâm lý vì một số người không hiểu luật nhưng luôn thích lớn tiếng cho rằng mình đúng”, vị CSGT chia sẻ.

Công an áo xanh đi cùng CSGT có được lập biên bản?

Hiện nay, một số tổ tuần tra của CSGT thường có lực lượng công an mặc áo xanh đi cùng. Dân mạng cho rằng, những công an mặc áo xanh không có quyền lập biên bản.
Về điều trên, một lãnh đạo CSGT ở TP.HCM cho biết, hiện nay tại TP.HCM, những đội CSGT thuộc phòng thì mặc cảnh phục màu vàng, các đội CSGT thuộc quận/huyện thường gộp chung CSGT và cảnh sát trật tự vào một đội với tên gọi Đội CSGT – trật tự quận/huyện.
Do vậy, một số tuyến đường do quận, huyện quản lý thường có lực lượng công an mặc áo xanh đi cùng CSGT và tham gia lập biên bản các vi phạm.

Nhiều người dân hiện nay chưa nắm rõ luật mà thường học luật truyền miệng để ứng phó ghi gặp CSGT

Độc Lập

Cũng theo vị này, một số chuyên đề khác của CSGT có sự hỗ trợ của công an phường, xã. Trong trường hợp đó, CSGT là lực lượng chính, lập biên bản xử lý vi phạm.
Một số chuyên đề khác của công an phường, xã như lập lại trật tự lòng lề đường, có sự hỗ trợ của CSGT thì người lập biên bản sẽ là công an phường, xã.
“Tuy nhiên, dù là lực lượng nào lập biên bản và trong chuyên đề nào đi nữa, những người lập biên bản là người phải đeo đầy đủ bảng tên, đúng điều lệnh quy định của lực lượng”, vị CSGT nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.