Trở về nhà sau 26 năm được công nhận liệt sĩ

Phạm Đức
Phạm Đức
14/09/2018 17:36 GMT+7

Sau 26 năm được công nhận liệt sĩ , ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi, quê tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bất ngờ trở về trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của người thân, chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, vợ ông Bình) cho biết, ông Bình nhập ngũ vào đơn vị Đoàn 7704MT479 (Quân khu 7) vào năm 1976, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1980, bà Hợp và ông Bình cưới nhau và có 3 đứa con.
Trong thời gian nhập ngũ, ông Bình được nghỉ phép về thăm vợ con 3 lần, vào các năm 18982, 1986 và 1988. Đến ngày 16.7.1988, gia đình nhận được giấy thông báo ông Bình hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích. Đến ngày 21.7.1992, gia đình nhận được giấy báo tử nên lập bàn thờ cúng giỗ ông Bình hàng năm.
 Bà Nguyễn Thị Hợp lập bàn thờ thờ chồng suốt 26 năm qua Ảnh Phạm Đức
“Lần cuối cùng chồng tôi được nghỉ phép về thăm nhà là vào năm 1988. Khi ông ấy chia tay vợ con quay trở lại đơn vị là lúc tôi đang mang bầu đứa con gái thứ 3. Khoảng vài tháng sau thì tôi được đơn vị của chồng thông báo ông ấy mất tích. Nhiều năm sau, tin tức về chồng vẫn không có nên gia đình mới chuyển sang đi tìm mộ. Tôi cùng đứa con thứ 2 đi vào các nghĩa trang ở Quảng Bình, Đồng Nai, Tây Ninh tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả”, bà Hợp nhớ lại.
Anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai ông Bình) kể: Sau thời gian đi tìm mộ không có kết quả, gia đình chuyển sang tìm đồng đội của ông Bình để tìm kiếm thông tin về bố. Mãi đến năm 2017, anh Hoàng tìm được ông Nguyễn Hữu Thọ, công tác cùng đơn vị với bố ngày trước, hiện đang sinh sống tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Huân chương Chiến công hạng nhất Nhà nước trao tặng cho ông Bình Ảnh Phạm Đức
“Rất may là ông Thọ có quen biết nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại nơi mà đơn vị của bố đóng quân ngày trước ở Campuchia nên có thể hỏi dò thông tin. Ông này sau đó đã nhờ một người tên Sơn đi vào các bản làng dò hỏi. Thông qua hình ảnh mà gia đình cung cấp, đầu tháng 8 vừa qua, ông Sơn bất ngờ tìm được bố tôi vẫn còn sống, đang ở tại một bản dân tộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Battambang, Campuchia”, anh Hoàng cho biết.
Ngay lập tức, ông Sơn gọi điện thoại về thông báo cho anh Hoàng và cho biết hiện ông Bình có vợ là người bản xứ và đã có với nhau 5 người con. Khi hỏi thì ông Bình không biết nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng dân tộc bản địa.
Một ngày đầu tháng 9, anh Hoàng cùng hai người chú ruột sang Campuchia để xác minh thông tin. Sau nhiều lần gợi nhớ và cho xem những bức ảnh của gia đình, ông Bình bất ngờ nhận ra anh Hoàng nên hai bố con ôm nhau khóc. Sau đó, ông Bình đưa cho anh Hoàng tập hồ sơ về tên tuổi, đơn vị công tác, ngày nhập ngũ mà ông vẫn lưu giữ suốt 30 năm qua.
Ông Bình bị mất trí nhớ và trên người đầy vết sẹo do trúng bom đạn Ảnh Phạm Đức
“Khi qua nơi bố đang sinh sống tìm hiểu thì mới biết bố tôi được người dân trong bản làng này cứu sống vào năm 1988, trong tình trạng bị trúng bom, thương tích khắp người và bị mất trí nhớ. Bố hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ, chỉ nói được dăm ba chữ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, bố đã theo gia đình trở về Việt Nam”, anh Hoàng nói.
Trưa 11.9, khi ông Bình về đến nhà, bà Hợp đã không tin vào mắt mình mà buồn vui lẫn lộn. Bà vui vì người chồng mất tích suốt ba thập kỷ qua nay vẫn còn sống, buồn vì không hiểu tại sao suốt thời gian dài như thế vì mất trí nhớ nên ông Bình không thể tìm đường để về nhà.
“Suốt mấy chục năm trời, tôi là góa phụ một mình lo cho 3 đứa con ăn học nên người. Giờ ông ấy đã trở về nhưng bị mất trí nhớ nên hai vợ chồng chưa tâm sự được nhiều. Trước mắt, tôi và các con sẽ tập cho ông ấy nói tiếng Việt và đi thăm hỏi bà con để tìm lại ký ức. Gia đình cũng mong được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm để đưa ông ấy đi chữa bệnh vì sức khỏe hiện rất yếu”, bà Hợp ứa nước mắt.
Ông Bình trở về trong sự vui mừng của người thân Ảnh Phạm Đức
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Như Nguyệt, Trưởng phòng Lao động - Thương Binh - Xã hội huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho hay sau khi nhận được tin báo ông Bình bất ngờ trở về từ cán bộ chính sách thị trấn Hương Khê, chiều 13.9, đơn vị này phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện và lãnh đạo UBND thị trấn Hương Khê đã về nhà ông Bình để thăm hỏi và xác minh thông tin.
“Qua xác minh thì các loại giấy tờ mà ông Bình vẫn giữ được 30 năm qua trùng khớp với hồ sơ công nhận liệt sĩ. Hiện chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện báo cáo sự việc tới Sở Lao động - Thương binh - Xã hội để có những chỉ đạo tiếp theo. Trước mắt, UBND thị trấn Hương Khê đã triển khai làm các loại giấy tờ tùy thân cho ông Bình”, bà Nguyệt nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.