Từ đơn thư bạn đọc: Người dân bơ vơ vì xóm... không tên

Khánh Hoan
Khánh Hoan
24/12/2020 08:01 GMT+7

Sinh sống ổn định hàng chục năm nay, nhưng nơi cư ngụ của hàng chục gia đình là con cháu những bệnh nhân phong ở Nghệ An vẫn chưa có một cái tên xóm chính thức khiến họ bơ vơ.

Mượn tên

Năm 1957, Bệnh viện Phong Quỳnh Lập (trực thuộc Bộ Y tế) ra đời, đóng ở xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai, Nghệ An). Nơi này là bệnh viện và cũng là nơi sinh sống của rất nhiều bệnh nhân phong trong cả nước hàng chục năm qua. Bệnh phong đã lùi vào quá vãng, các thế hệ con, cháu của những bệnh nhân này và các y, bác sĩ nay sinh sống quần cư quanh khu vực bệnh viện cũ, trở thành làng. Ông Nguyễn Thế Định (56 tuổi), một cư dân làng phong, cho biết bố mẹ ông là người Hà Nam và Hải Phòng, đến điều trị tại đây. Ông theo bố mẹ đến đây sinh sống và kết hôn với bà Nguyễn Thị Hợp (quê H.Nam Đàn, Nghệ An), cũng là con của bệnh nhân phong. Cũng như nhiều gia đình con cái của bệnh nhân phong khác, năm 1997, vợ chồng ông được lãnh đạo bệnh viện bố trí cho mảnh đất làm nhà ở.
Đến nay, làng phong đã có 177 hộ gia đình, trong đó có 74 gia đình làm nhà riêng sinh sống, số còn lại sống trong các khu nhà điều trị. Thế nhưng, làng vẫn chưa hề có tên gọi nào chính thức, chưa có xóm trưởng và các tổ chức xã hội khiến người dân bị thiệt thòi về quyền lợi. “Tên gọi chính thức ở đây là Bệnh viện Phong, sau này người ta gọi là làng Phong. Nhưng vì mặc cảm với cái tên đó nên người ta lại dùng tên Đồng Mỹ, là xóm của gia đình y, bác sĩ bệnh viện nằm ở phía ngoài kia để gọi tên cho xóm này.
Về mặt hành chính, xóm này chưa có tên gọi nào chính thức cả”, ông Định nói. Không có xóm trưởng, ông Định được lãnh đạo Bệnh viện Phong chỉ định đóng vai trò như xóm trưởng, dù mức phụ cấp chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Vợ ông Định là bà Nguyễn Thị Hợp là chi hội trưởng phụ nữ của xóm, đây cũng là tổ chức chính trị xã hội duy nhất ở xóm này.
Xóm không có tên gọi chính thức, không có ban cán sự xóm, chỉ vợ chồng ông Định phải “vác tù và hàng tổng” nên các hoạt động đều rất khó khăn. Ông Định cho biết người dân cần tiền đi vay ngân hàng cũng rất khó vì cả xóm không ai có sổ đỏ do đây là đất của Bệnh viện Phong quản lý. “Vay ít thì người ta chấp nhận, nhưng vay nhiều thì họ yêu cầu phải xác định tên xóm nơi cư trú rồi yêu cầu tài sản thế chấp nên không ai vay được nhiều”, ông Định nói. Ông Định cũng mong mỏi xóm có một cái tên chính thức, đất được cấp sổ đỏ để người dân được hưởng các quyền lợi bình thường của công dân.

Xã cũng khổ

Ông Hồ Sỹ Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập, cho biết xã đã nhiều lần làm văn bản đề nghị Bộ Y tế cho thành lập xóm ở đây với bộ máy để hoạt động nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Không có tên xóm, không có ban cán sự xóm để điều hành nên các hoạt động ở đây gần như bị tê liệt khiến xã cũng… khổ lây. Về danh nghĩa, khu vực này là của Bệnh viện Phong, trực thuộc Bộ Y tế, nhưng các thế hệ con cháu của bệnh nhân phong đã sinh sống ở đây từ hàng chục năm nay, có hộ khẩu thể hiện người Quỳnh Lập, nhưng chưa thành lập được một đơn vị hành chính nên xã không thể điều hành.
Xóm chưa có tên, nhưng khi xác nhận giấy tờ, người dân khai là xóm Đồng Mỹ, dù không đúng với thực tế nhưng xã cũng phải xác nhận để người dân khỏi thiệt thòi. Con em của người dân xóm này đi làm ăn xa, về quê xác minh để kết nạp Đảng lại phải nhờ chi bộ xóm khác xác nhận, dù về mặt hành chính và sinh hoạt Đảng, 2 xóm này là độc lập”, ông Hoàng nói.
Không có các chi hội nên ông Hoàng cho biết, ngày của người cao tuổi, các cụ của xóm cũng rất bơ vơ. Thương các cụ nên hằng năm, xã cũng mời các cụ lên trao quà động viên. “Chúng tôi rất muốn Bộ Y tế đồng ý để chúng tôi thành lập một xóm ở đây như bao xóm khác để người dân được đảm bảo các quyền lợi chính đáng”, ông Hoàng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.