Đổi thẻ căn cước có mất phí?

27/02/2024 10:38 GMT+7

Theo quy định tại luật Căn cước, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an là đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp thẻ căn cước cho người dân.

Từ 1.7, luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành, thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ đổi tên gọi thành thẻ căn cước. Nhiều người thắc mắc rằng, đổi thẻ căn cước thì có mất phí?

Đổi thẻ căn cước có mất phí?- Ảnh 1.

Từ 1.7, thẻ CCCD có tên gọi mới là thẻ căn cước

TUYẾN PHAN

Trường hợp nào mất phí?

Hiện nay, quy định về lệ phí cấp CCCD được thực hiện theo Thông tư số 59/2019 của Bộ Tài chính.

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí. Các mức thu lệ phí cụ thể như sau:

- Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ CCCD: 30.000 đồng/thẻ.

- Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ.

- Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của luật Quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ.

Xem nhanh 20h ngày 29.2: Mống mắt trên thẻ căn cước là gì?

Các trường hợp miễn lệ phí gồm:

- Đổi thẻ căn CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.

- Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới, huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo.

- Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Các trường hợp không phải nộp lệ phí bao gồm:

- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu.

- Đổi thẻ CCCD khi đến tuổi quy định (25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi).

- Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.

Với việc đổi tên theo quy định tại luật Căn cước, dự kiến các mức lệ phí áp dụng với thẻ căn cước sẽ tương đồng với thẻ CCCD.

Đổi thẻ căn cước có mất phí?- Ảnh 2.

Lực lượng công an làm thủ tục cấp thẻ CCCD cho người dân

TUYẾN PHAN

Muốn làm thẻ căn cước thì tới đâu?

Theo quy định tại luật Căn cước, công dân có thể thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại các nơi sau:

Thứ nhất là cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi công dân cư trú.

Thứ hai là cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.

Vẫn theo quy định tại luật, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) là đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ, thu nhận thông tin rồi chuyển về cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.

Quá trình xây dựng luật Căn cước, có đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng thẩm quyền cấp thẻ căn cước đến công an cấp tỉnh, nhằm rút ngắn thời gian cấp thẻ, tránh tình trạng chỉ một đầu mối nên phải chờ nhiều ngày mà vẫn chưa nhận được thẻ. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận.

Giải thích về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với quy định về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung như hiện nay, việc kiểm tra, đối sánh dữ liệu căn cước công dân cần thực hiện tại trung tâm dữ liệu căn cước để bảo đảm tính chính xác trên toàn quốc.

Mặt khác, việc tổ chức in, phát hành thẻ căn cước tập trung tại cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an sẽ tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu và chi phí in ấn thẻ.

Do đó, luật Căn cước chỉ giao một đầu mối là cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có thẩm quyền cấp thẻ căn cước, phù hợp với công nghệ và thực tế quản lý hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.