Từ “chiến lược” ở đây không phải hàm ý cho toàn bộ mối quan hệ song phương mà chủ yếu dành cho phương diện giải trừ vũ khí hạt nhân. Dù vậy, việc hai bên tiến hành đối thoại chiến lược trong bối cảnh mối quan hệ tiếp tục xấu thêm vẫn có thể có được tác động tích cực nhất định tới việc đảo chiều diễn biến lâu nay.
Hiện Mỹ và Nga ràng buộc lẫn nhau về giải trừ vũ khí hạt nhân bằng thỏa thuận duy nhất còn lại là Hiệp ước New START, mà nó cũng chỉ được gia hạn hiệu lực cho tới năm 2026.
Hiệp ước giúp tạo ra tình trạng “cân bằng chiến lược” và không chạy đua về tăng số lượng đầu đạn hạt nhân. Duy trì hiệu lực của hiệp ước này nói riêng và thể hiện chủ ý giải trừ vũ khí hạt nhân nói chung được ông Biden sử dụng làm một bằng chứng cho định hướng khôi phục lòng tin và ảnh hưởng của Mỹ. Nga cũng có lợi ích tương tự hiện tại cũng như về lâu dài. Vì thế, Mỹ - Nga có cùng nhu cầu về nối lại và duy trì các cuộc đối thoại chiến lược, cũng như khích lệ lẫn nhau đạt thỏa thuận mới.
Mỹ và Nga có cùng cách tiếp cận về xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương là dễ làm trước, khó làm sau và dùng cái dễ làm để kiểm soát, kiềm chế căng thẳng trong quan hệ song phương. Hai bên có lợi ích chung trong việc cùng dẫn dắt tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Bên nào cũng gặt hái lợi đơn ích kép.
Bình luận (0)