Nhà ông Bảy ở sâu thật sâu trong xứ Rạch Năn, phải lội rạch, phải băng qua cánh đồng toàn cỏ năn mới vào tới. Lần đầu tiên Tuấn ghé, mắt tròn mắt dẹt vì cái sân nhỏ xíu mà như ngập trong bông. Nào sao nhái, bông hồng, nào cúc thân gỗ nở đầy. Trên cái sào tre còn treo mấy loài bông gì màu đỏ rũ dài trông đẹp mắt. Mỗi bận ngang sân nhà ai thấy bông nào lạ là ông già xin hột về gieo. Bông nở rập rờn từ sân ra tận ngoài mé rạch. Tuấn nói "ông ở trong hóc bà tó này trồng bông cho ai xem". Ông Bảy nhìn Tuấn "mày ngộ, tao trồng cho tao ngắm chứ cần gì trồng cho ai xem".
Ông Bảy mê bông và mê cả trồng rau. Cái giàn tre nhoài ra mé nước lúc nào cũng có bầu bí, mấy trái mướp căng mình nằm xen lẫn với mấy cái bông vàng vàng. Ở khoảnh đất sau nhà, ngọn lang, rau muống bò xanh um. Ông Bảy nói trồng có chút xíu mà ăn mệt nghỉ. Thỉnh thoảng tới chơi, ông hái một bọc rau to đùng bảo Tuấn đem về ăn, ăn hổng hết thì cho lai rai bà con quanh xóm. Ông Bảy uống cái rột ly nước nói tao trồng vậy chứ cũng ít ăn, già rồi ăn uống mấy hồi. Như bầu hay bí, lựa trái nhỏ nhỏ vô nấu bữa canh đủ một mình ăn thôi, trái bự ăn hổng hết. Mấy trái to to để hái cho bà con quanh xóm, nhà họ đông, có khi hai trái mới đủ bữa canh. Rau thì ai ăn cứ tự nhiên qua hái.
Chị Nhiên lâu lâu lại đạp xe qua nhà ông Bảy để mua rau chở ra chợ bán. Ông Bảy nói cho chị Nhiên lắc đầu, bảo ăn thì được chứ ai lại hái của ông mang ra chợ bán. Ông Bảy lại nói muốn hái nhiêu đưa nhiêu tiền cũng được. Trong lúc chị Nhiên cắm cúi cắt rau muống, ra giàn tre hái bầu bí ông vẫn nằm nghe nhạc, chốc chốc lại ngân theo mùi mẫn "Tình đời cay đắng nhưng mà cảm ơn…". Hái rau xong chị Nhiên nhét vào tay ông Bảy mấy chục ngàn. Ông Bảy đưa lại tờ năm chục rồi cười hề hề, bảo phần còn lại đủ chiều dứt xị rượu ngon ơ. Tuấn nói sao ông không lấy hết tiền, mấy bà mua rau đi bán lại vậy chớ lời nhiều. Ông già tặc lưỡi, con Nhiên cực thí mồ, vài ba đồng bạc có nhiều nhặn gì đâu.
***
Nhiên cực thiệt. Chồng Nhiên lên thành phố mần ăn mà đi một hơi mấy năm không thấy về. Nghe đâu chồng Nhiên có vợ khác. Tuấn thường tặc lưỡi khi thấy Nhiên đội nón cời đạp xe giữa trời nắng chang chang. Mình Nhiên phải làm quần quật nuôi bốn đứa con. Mà đâu riêng gì Nhiên, xứ này nghèo thiệt nghèo mà tụi con nít hết đứa này đến đứa khác cứ hồn nhiên ra đời.
Mấy đứa học trò tới lớp chân còn lấm lem bùn đất. Có đứa mặc áo mà bung chỉ lòi cả rún. Bé Út của Nhiên học lớp Tuấn, bữa đi học thì không có bút, bữa tập hết mà mẹ quên mua. Tuấn một bữa nói chị Nhiên để ý giùm chuyện học của Út. Chị Nhiên gãi đầu bằng bàn tay dính đầy mủ rau, nói thầy thông cảm tui lo chạy ngược chạy xuôi kiếm miếng ăn hổng có thì giờ để ý. Tuấn thở dài, đi mua thêm mấy cây bút, cuốn tập để sẵn, đứa nào hết thì cho. Xứ nghèo, cha mẹ nghèo thành thử cái chuyện học cũng gian nan hơn xứ khác.
Ở Rạch Năn này nhìn ngược nhìn xuôi gì cũng toàn thấy cái cũ, trường học cũng cũ nốt. Cái bảng đen bị sứt một miếng mà mấy năm rồi chưa có tiền thay cái mới. Một bữa đang dạy, Tuấn thấy cọng rơm rớt rên bàn giáo viên, ngước lên thấy con chim đang tha rơm về làm tổ trên mái. Giờ ra chơi tụi nhỏ lấy dép chọi Tuấn can bảo kệ nó, nó làm tổ ấp trứng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thầy trò mình. Con chim chẳng biết sợ người, cứ thong thả làm tổ, đẻ trứng rồi nằm ấp khi tụi học trò sang sảng đọc bài.
Nhà ông Bảy ở xa trường học. Vậy mà thỉnh thoảng ông cũng làm siêng đạp xe ghé trường chơi. Ông ngồi im ngoài sân mơ màng nghe tụi nhỏ đọc "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" mà cười khoái chí. Ông nói với thầy Tuấn, hồi ông còn nhỏ, nhà nghèo rớt chẳng được đi học. Mà xứ này hồi xưa cũng làm gì có trường, giờ nghe tụi nhỏ học mà sướng rân cái bụng. Mấy ô đất trống để trồng cây trước mỗi lớp học lèo tèo vài cây bông héo hắt, ông Bảy đem mớ hột sao nhái xới đất lên gieo. Dặn thầy Tuấn bảo tụi nhỏ mỗi ngày đi học sớm tưới cho ít nước. Vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại mấy cây sao nhái đủ màu sắc nở rập rờn như đàn bướm đậu trước lớp học. Ai đi ngang cũng bảo trường học dạo này đẹp quá.
***
Thỉnh thoảng, bạn của Tuấn nhắn chừng nào chán quê thì lên thành phố, trên này thiếu gì chỗ ngon ơ để dạy. Mắc gì chôn đời mình ở cái xứ thắt thẻo xa xôi toàn năn với muỗi. Mười năm dạy học của Tuấn có khác gì hồi mới ra trường không? Tuấn bần thần nhìn ngược lên mái nhà, nơi con chim mái vẫn cần mẫn nằm ấp trứng. Đời trai mà, đôi khi cũng muốn vẫy vùng biển lớn chứ không phải quẩn quanh hoài một chỗ.
Lòng Tuấn cũng mơ hồ mưu tính cho mình một cuộc ra đi. Thỉnh thoảng trong mấy buổi dạy, Tuấn hồ hởi kể cho tụi học trò Rạch Năn về phố xá, về ánh đèn nhấp nháy chứ không phải đường đất đầy sình lầy như xứ mình. Có phải giấc mơ nào cũng đẹp nên tụi học trò cố hình dung lời thầy nói. Tuấn bảo ráng học giỏi đặng mai mốt đừng làm ruộng, đừng chỉ biết sống dựa vào mấy cây năn, quanh năm suốt tháng cúi mình trên sình lầy.
Tuấn hỏi quanh quẩn mãi ở xứ này ông Bảy có thấy buồn không? Ông nói ờ, đời ông chưa từng đi khỏi Rạch Năn. Đời quanh quẩn với đất với sình với mấy cây năn từ hồi nhỏ xíu đến giờ mắt đã kéo màng mây. Mà Bảy có đi khỏi xứ này đâu để biết xứ khác vui như thế nào. Mà ngộ, hổng lẽ phải đi khỏi xứ này mới biết đời vui. Chiều chiều nằm tòn ten đưa võng, ngó mấy cái bông nở rập rờn trong sân rồi nghe mấy bài nhạc là vui tề thiên ông địa rồi còn gì!
Ông Bảy nói, con người phải nghiêng mình theo đất mà sống. Xứ này toàn năn với sình, thắt thẻo xa xôi nhưng cũng dễ sống vô cùng. Bữa nào đó trong nhà chẳng có gì ăn thì mần siêng ra đồng lội hái rau muống, bứt kèo nèo, điên điển… rồi tát đìa bắt cá, bắt tôm. Rồi ta nói, về kho nồi cá trong tộ thiệt ngon, bê ra ngoài hiên chấm với rau đồng, ta nói món ngon xứ khác sao mà sánh bằng. Đời cũng thong thả chứ kém gì ai! Mà đời không thong thả thì "đời nhiều cay đắng nhưng mà cảm ơn…". Ông Bảy ca một câu thiệt mùi, rồi ông ngó ra mấy cái bông sao nhái rập rờn bảo thầy dạy tụi con nít cố gắng học giỏi để mơi mốt đừng làm ruộng, nhưng cũng nên dạy tụi nhỏ đừng chê xứ mình nghèo nghen thầy!
***
Hết năm học, trường Rạch Năn có mười đứa học giỏi, mười bảy đứa khá. Thầy Tuấn hồ hởi khoe năm nay tụi nhỏ học được hơn năm ngoái. Con Út chị Nhiên hồi đầu năm tưởng đuối vậy mà cuối năm thi được 9 điểm, được học sinh giỏi mới hay. Ông Bảy đang nằm võng, nghe xong ngồi dậy, tắt cái radio bảo vậy phải thưởng cho tụi nhỏ chứ. Thầy Tuấn bảo có chứ, đứa nào giỏi mười cuốn tập, khá thì năm cuốn. Ông Bảy bảo để ông thưởng thêm rồi sờ cạp quần, lôi ra bọc tiền quấn kỹ trong mấy lớp ni lông. Ông dúi vào tay thầy Tuấn bảo mua thêm cho mỗi đứa vài cây bút, hộp chì màu. Có thêm quà cho tụi nhỏ vui hơn, ham học hơn.
Sân trường Rạch Năn bữa tổng kết vui như hội. Ông Bảy tới sớm, chở sau xe đạp mớ bông to tướng cắt từ vườn nhà. Ông nói bữa nay bông trong vườn nở như được mùa. Thầy Tuấn nhận lấy mớ bông, cắm vào mấy cái lọ trên dãy bàn dài của giáo viên mà còn dư. Lúc phát thưởng thầy còn tặng kèm mỗi đứa mấy nhánh bông cột lại bằng cộng dây màu đỏ. Ông Bảy ngồi xem tụi nhỏ cười nói mà lòng rung rinh. Thầy Tuấn cũng lại ngồi cùng ông, nghiêng tai lắng nghe tiếng chim non mới nở ríu rít đâu đây, thấy lòng mình nhẹ tênh. Thầy nói với ông Bảy, đôi lúc đời cũng thiệt thong thả hen ông!
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)