Không biết tự bao giờ, người đời đã trồng cây phượng trong khuôn viên các trường học ở Việt Nam. Và do vậy, hầu hết các thế hệ học sinh - sinh viên từ tiểu học đến đại học đều có ký ức đẹp với loại cây này cho đến khi tai họa ập xuống, dẫn đến cái chết thương tâm của 1 em học sinh lớp 6 ở TP.HCM do bị cây phượng to trong sân trường ngã đè trúng.
Sau sự việc đau lòng trên, hàng loạt cây phượng trong sân trường ở TP.HCM và một vài tỉnh bị đốn hạ, để tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra. Nếu tỉnh táo để nhìn nhận, thì các loại cây to ở xứ mình đều có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, mùa mưa bão gãy đổ đã đành, trời yên gió lặng cũng đổ. Nếu cây phượng trong trường học ngã đổ gây thương vong cho học sinh thì ngoài phố những cây dầu, cây sao lâu năm cũng bật gốc đè trúng người và xe cộ đang di chuyển trên đường. Vậy tính sao đây? Vì một cây dầu trăm năm tuổi ngã đè chết người đi đường, hổng lẽ cơ quan quản lý đốn bỏ hết hàng cây xanh trên “con đường thơ mộng” ấy sao?
|
Tuổi thơ của tôi gắn liền với 1 cây phượng. Năm 1969, lúc đó tôi 11 tuổi, vào học lớp đệ thất (lớp 6) của 1 trường trung học công lập. Một ngày nọ, bác lao công mang 1 cây phượng trồng trên khuôn viên trường. Mỗi lúc đến giờ ra chơi, bọn con trai chúng tôi thường chơi trò nhảy gù “bay” qua ngọn cây phượng mới trồng (cao tầm 1 mét). Hơn 20 năm sau quay lại thăm trường cũ, cây phượng năm xưa đã cao hơn nóc nhà, rợp bóng mát, trò nhảy gù không thể tái hiện được nữa.
Lứa tuổi học sinh còn có kỷ niệm đẹp với cây phượng qua… âm nhạc. Hoa phượng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sỹ sáng tác những ca khúc để đời, xin đơn cử như: Nỗi buồn hoa phượng & Lưu bút ngày xanh (Thanh Sơn), Phượng hồng (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng), Phượng buồn (Lê Kim Khánh & Tuấn Hải), Kỷ niệm nào buồn (Hoài An), Bây giờ còn nhớ hay không (thơ Nhất Tuấn, nhạc Anh Bằng)…Thậm chí có cả 1 thành phố được đưa vào nhạc nhờ “đi đâu cũng thấy phượng”, đó là bài Thành phố hoa phượng đỏ (sáng tác của Lương Vĩnh), nói về Hải Phòng.
Sự thi vị của hoa phượng ở chỗ nó báo hiệu “hè về”, giống như chúng ta thấy hoa đào, hoa mai nở rộ báo hiệu mùa xuân, Tết đến. Nếu vì sự an toàn tính mạng cho học sinh trong nhà trường mà đốn bỏ hết cây xanh, thì cái sân trường ấy sẽ trông không khác gì sa mạc vô hồn. Trường học là phải có cây xanh, bóng mát. Vấn đề là trồng cây gì thay thế và quản lý nó như thế nào? Không chỉ riêng cây phượng, rất nhiều trường học tại TP.HCM hiện hữu cây dầu to cao. Những cây này mà ngã đổ thì hậu quả khó lường. Hổng lẽ cũng đốn bỏ để ngừa hậu họa?
Nếu có ai đó cho rằng tôi là người “bảo thủ”, “hoài niệm vu vơ” thì cũng đành chịu, chứ nói thiệt, tôi vẫn muốn sân trường rợp bóng phượng vỹ. Vấn đề là cơ quan quản lý cây xanh phải thể hiện trách nhiệm đúng mực với chức trách đã được xã hội phân công. Rất nhiều cây phượng trên đất nước này vẫn đứng vững qua phong ba bão táp, vì chúng được trồng với bộ rễ bám chặt vào lòng đất và chăm sóc kỹ lưỡng. Còn nếu trồng một cách hời hợt, vô trách nhiệm, thì cây có thể đổ sụp bất cứ thời tiết nào. Giải pháp mé nhánh, tỉa cành cũng là cách làm đáng quan tâm, đừng để người dân thốt lên câu “quản không được thì chặt”.
Bình luận (0)