Đón đầu công nghệ, lan tỏa thông tin: Trực tuyến - kênh tuyển sinh hiệu quả nhất

Hà Ánh
Hà Ánh
25/12/2020 08:04 GMT+7

Với mức độ lan tỏa thông tin qua nhiều kênh của Báo Thanh Niên, chương trình trực tuyến được đánh giá là kênh tuyển sinh hiệu quả nhất từ chính các trường đại học , cao đẳng sau nhiều năm gắn bó.

Song song với chương trình tư vấn cộng đồng, Báo Thanh Niên còn đồng hành với thí sinh qua hoạt động tư vấn truyền hình trực tuyến tại nhiều kênh của báo: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Từ gián tiếp đến truyền hình trực tuyến

Xuất phát từ một hộp thư tư vấn trả lời bạn đọc, sau 16 năm, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển.
Việc giải đáp nhiều nhất những câu hỏi bạn đọc gửi đến hộp thư tư vấn mùa thi là mục tiêu ban đầu của chương trình tư vấn trực tuyến được Báo Thanh Niên triển khai vào năm 2004 tại địa chỉ: thanhnien.com.vn. Từ các câu hỏi nhận được, những người làm công tác nội dung đã chuyển tải câu trả lời trên trang thông tin điện tử của báo như một hình thức khác của hộp thư này. Sau đó, chương trình có sự tham gia trực tiếp của chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường ĐH, CĐ để có những câu trả lời chất lượng hơn.
Sự xuất hiện sơ khai của chương trình là hình thức tư vấn gián tiếp ở dạng nhập câu hỏi của bạn đọc và câu trả lời của chuyên gia, do đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ thực hiện. Ở năm đầu tiên này, chương trình được đặt tên Tư vấn mùa thi trực tuyến trên mạng Thanhnien Online, tổ chức vào chiều thứ sáu hằng tuần trong thời gian từ 27.2 đến 10.4. Tên gọi này tiếp tục sử dụng vào những năm tiếp theo khi tổ chức chương trình, vào khung giờ cố định 16 giờ 30 thứ sáu hằng tuần, liên tục trong hơn 1 tháng trước thời điểm thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Đón đầu công nghệ, lan tỏa thông tin: Trực tuyến - kênh tuyển sinh hiệu quả nhất1

Chương trình tư vấn trực tuyến năm 2004

ẢNH: TƯ LIỆU BÁO THANH NIÊN

Không chỉ là tờ báo đầu tiên khởi xướng chương trình tư vấn trực tuyến, đến năm 2014, Thanh Niên tiếp tục đi đầu trong chương trình tư vấn theo hình thức truyền hình trực tuyến. Không như hình thức tư vấn trực tuyến truyền thống, bên cạnh truyền tải thông tin qua ngôn từ thì các chương trình tư vấn truyền hình còn đến với bạn đọc một cách sống động qua âm thanh, hình ảnh được truyền tải trực tiếp từ phim trường của báo. Bạn đọc có thể tiếp cận thông tin từ nhiều giác quan khác nhau thay vì chỉ đọc thuần túy như trước đây. Trong chương trình truyền hình được phát trực tiếp này, thí sinh và phụ huynh không chỉ lắng nghe mà còn đối thoại trực tiếp với các chuyên gia của chương trình thông qua việc đặt câu hỏi, gọi điện thoại qua đường dây nóng về chương trình.
Nếu trước đây, thí sinh chỉ có thể tương tác tại thanhnien.vn, thì nay còn được mở rộng trên các trang mạng xã hội Facebook và YouTube của báo. Trong đó, chỉ riêng với kênh YouTube được trao nút Play vàng vào năm 2019, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến sẽ lan tỏa tới hàng triệu thí sinh mỗi năm.

Từ chương trình này, thông tin của trường đến với học sinh rất lớn. Theo khảo sát sinh viên đầu vào của trường qua các năm, trong số sinh viên đang theo học đến từ 52 tỉnh thành, có 80 - 90% sinh viên biết đến trường thông qua chương trình tư vấn

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Không chỉ phong phú về hình thức, nội dung của chương trình còn được thiết kế bài bản với các vấn đề cốt lõi gắn với thí sinh trong từng giai đoạn chọn ngành nghề, ôn thi và xét tuyển. Thay vì chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng như thời điểm đầu, hiện những năm gần đây chương trình được thiết kế khoảng 20 - 30 chủ đề khác nhau theo nhiều giai đoạn.

80 - 90% sinh viên biết đến trường từ chương trình

Đáng chú ý, điểm nhấn của chương trình còn được thể hiện ở người được mời tham gia bàn tư vấn. Tùy vào những chủ đề cụ thể, buổi trực tuyến còn có những chuyên gia đặc biệt: đơn vị tuyển dụng tư vấn về ngành học, Bộ GD-ĐT chia sẻ thông tin mới nhất về tuyển sinh, thủ khoa trực tiếp chia sẻ bí quyết ôn thi đạt điểm cao... Dấu ấn mạnh nhất phải kể đến đội ngũ từ các trường ĐH như: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo, trưởng phòng tuyển sinh, trưởng khoa chuyên ngành... Những thông tin “nóng hổi” về điểm chuẩn, phương án tuyển sinh, xét tuyển bổ sung... mà các trường cung cấp trong chương trình được thí sinh đón nhận mạnh mẽ. Ngược lại, chương trình tư vấn này cũng được chính các trường xem là kênh tuyển sinh hiệu quả nhất.
Đón đầu công nghệ, lan tỏa thông tin: Trực tuyến - kênh tuyển sinh hiệu quả nhất2

Chương trình hiện tại

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nói về nét riêng trong chương trình trực tuyến trên Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng đó là sự thích nghi với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ trong lĩnh vực truyền thông, chương trình ngày càng đa dạng các kênh phát sóng, tăng cơ hội tương tác trực tiếp của thí sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, chủ đề đa dạng, thực tế, vừa giải quyết được những vấn đề mang tính thời sự vừa có chủ đề mang tính lâu dài như định hướng chọn nghề - vấn đề mà ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung luôn đặc biệt quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nói thêm: “Qua 16 năm, chương trình luôn là nhịp cầu thông tin đáng tin cậy cho thí sinh và phụ huynh - từ thời kỳ các kênh truyền thông còn chưa phổ biến đến nay, khi các nguồn thông tin ngày càng đa dạng thì vai trò của những kênh chính thống càng trở nên quan trọng hơn”.
Không chỉ cung cấp thông tin chính thống, theo ông Quốc Anh, chương trình còn là nhịp cầu kết nối giữa các trường với người học, có thể “gỡ rối” nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện nhiều thông tin. “Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguồn tin “tự xưng” không được kiểm chứng, không xác thực khiến thí sinh dễ hoang mang, lo lắng thì việc xây dựng, duy trì và phát triển những kênh thông tin, tư vấn hỗ trợ chính thống như Báo Thanh Niên đang triển khai là vô cùng cần thiết”, vị phó hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Tham gia chương trình từ những năm đầu tiên, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, sự phát triển từ chương trình tư vấn cộng đồng tới tư vấn truyền hình trực tuyến, Báo Thanh Niên đã góp phần đưa thông tin chọn nghề, thi và tuyển sinh đến mọi miền Tổ quốc. Qua hệ thống mạng internet, chương trình còn đến với cả những học sinh Việt Nam học phổ thông ở nước ngoài.
Chia sẻ về lý do dù ở tận Đà Nẵng nhưng đại diện trường vẫn di chuyển trong ngày vào tận TP.HCM tham gia chương trình trực tuyến, tiến sĩ Võ Thanh Hải lý giải: “Từ chương trình này, thông tin của trường đến với học sinh rất lớn. Theo khảo sát sinh viên đầu vào của trường qua các năm, trong số sinh viên đang theo học đến từ 52 tỉnh thành, có 80 - 90% sinh viên biết đến trường thông qua chương trình tư vấn. Số sinh viên có hộ khẩu khu vực 1 và 2 - nông thôn biết đến trường cũng ngày càng tăng lên, tiệm cận với tỷ lệ sinh viên các khu vực còn lại. Điều này chứng tỏ mức độ phủ sóng của chương trình với mọi thí sinh”.
Từ đó, theo ông Hải, chương trình không chỉ cung cấp thông tin bổ ích tới thí sinh mà còn giúp các trường trong việc chọn lựa các thí sinh phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu đào tạo. “Tôi cho rằng, chương trình đã mang lại lợi ích lớn cho người học, các trường ĐH và cả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo. Tôi rất vui vì đã nhiều lần gặp lại những sinh viên từng tham gia chương trình tư vấn này, có em nhận ra tôi trên sóng truyền hình tư vấn Thanh Niên...”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.