Ra ở trọ để thuận tiện đi làm
Các sinh viên rời ký túc xá ra ở trọ để có thể thuận tiện cho việc đi thực tập, đi làm, đi học ở trung tâm TP.HCM.
Chẳng hạn, Huỳnh Thanh Hiếu, sinh viên năm 4, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: “Tôi đã hoàn thành chương trình học tại trường, chờ tốt nghiệp và vừa tìm được một công việc ở trung tâm thành phố. Do đó, tôi rời Ký túc xá Cỏ May (TP.HCM) vào giữa tháng 7 để nhường lại học bổng ở ký túc xá cho sinh viên khác”.
Minh Hạnh thu dọn đồ đạc trong phòng ký túc xá để dọn ra ngoài ở trọ |
NVCC |
Tương tự, Võ Thị Minh Hạnh (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) dọn ra ngoài thuê phòng trọ từ ngày 30.7. Trước đó, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM thông báo, nếu sinh viên không đăng ký trước ngày 1.8 thì phải chuyển ra.
Nữ sinh viên chia sẻ: “Ở ký túc xá phòng sạch sẽ, giá rẻ hơn nhiều so với thuê trọ, nhưng lại khá bất tiện khi tôi phải đi làm. Do đó, tôi quyết định ra ngoài thuê phòng trọ”.
Đủ cách tìm phòng trọ
Đối với sinh viên, lựa chọn một phòng trọ phù hợp vừa rẻ, vừa đảm bảo chất lượng không hề dễ dàng. Sinh viên tìm kiếm thông tin từ các website, nhóm trên Facebook hoặc nhờ người môi giới để tìm phòng trọ.
Nữ sinh viên Minh Hạnh kể: “Khi tìm phòng trọ trên mạng xã hội, không ít nhóm 'treo đầu dê bán thịt chó', tức phòng quảng cáo trong hình hoàn toàn khác xa thực tế. Những phòng trọ giá rẻ thường có diện tích rất nhỏ, buổi trưa nóng hơn 'lò luyện kim đan', lại ở vị trí không an toàn, xung quanh khá ồn ào”.
Trong khi đó, Huỳnh Quốc Duy (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) phải nhờ một người bạn làm môi giới tìm giúp phòng trọ sau nhiều lần tìm kiếm thất bại trên internet.
Sinh viên sinh sống ở Ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM |
Trung tâm quản lý KTX |
Còn Hoàng Thanh (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng việc tìm phòng trọ không quá gian nan. Thanh cho hay: “Tôi ưu tiên tìm kiếm trên các website uy tín vì nếu như phòng đã có người thuê thì bài đăng sẽ bị xóa, điều này giúp tôi tránh mất thời gian liên hệ”.
Khi tìm được phòng ưng ý, Thanh sẽ liên hệ với chủ nhà qua thông tin số điện thoại, địa chỉ nhà có trên bài đăng. Lúc đi xem phòng, Thanh và các bạn ở chung luôn cố gắng đi xem cùng nhau. Nếu căn phòng phù hợp thì Thanh và các bạn sẽ đóng tiền cọc và ký hợp đồng.
Rời khỏi ký túc xá ra ngoài ở trọ, các sinh viên thường mất một khoảng thời gian để thích nghi với cuộc sống mới. Hoàng Thanh cho hay cô tranh thủ những buổi đi làm về sớm, đi vòng vòng khu vực xung quanh nhà để cố gắng nhớ đường, quán ăn, chợ, trạm xăng và làm quen dần với hàng xóm.
Rời ký túc xá ra trọ: Nhớ những điều nhỏ bé mà bình dị
Khi rời ký túc xá tìm chỗ ở mới, không ít sinh viên cảm thấy luyến tiếc. Chẳng hạn, Phan Huyền Dịu (sinh viên năm 4 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) xem Ký túc xá Cỏ May (TP.HCM) là mái nhà thứ 2.
Huyền Dịu chia sẻ: “Những ngày đầu còn bỡ ngỡ khi mới vào ký túc xá, tôi được ban quản lý và các anh chị hướng dẫn rất tận tình. Chính vì thế tôi không hề cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Nơi này đã luôn tạo cho tôi cảm giác thật thân quen hệt như chính gia đình”.
Khi phải rời xa ký túc xá, Huyền Dịu cho hay cô sẽ không bao giờ quên hình ảnh vào mỗi buổi sáng dì Năm (nhân viên ở ký túc xá) thức dậy thật sớm tự tay gói những gói xôi rồi gửi từng sinh viên. Dịu kể thêm: “Dì Năm còn thường đi kiểm tra từng phòng vì sinh viên thức khuya ảnh hưởng sức khỏe”.
Các sinh viên tại Ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM |
Trung tâm quản lý KTX |
Các sinh viên ở ký túc xá cũng sẽ không thể quên những buổi tối ăn uống với bạn cùng phòng, đi dạo vòng quanh ký túc xá vào ban đêm hoặc tập luyện thể thao.
Hoàng Thanh nhớ lại: “Cảm giác được ngồi trò chuyện với bạn bè ở hồ bán nguyệt Ký túc xá ĐH Quốc gia khu B sau những giờ đi học, đi làm là một điều rất đáng nhớ. Tôi nhớ cả những lần lỡ ngồi quá 23 giờ nên bị bảo vệ rọi đèn, yêu cầu quay về phòng. Những điều nhỏ bé bình dị như vậy ở ký túc xá cứ theo tôi mà trưởng thành dần suốt 3 năm qua".
Bình luận (0)