Dồn lực dập ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
14/06/2021 04:43 GMT+7

Ngày 13.6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thông báo có 53 nhân viên dương tính Covid-19 . Tất cả những người này đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid -19. Một điểm đáng lưu ý, có đến 52/53 người không có triệu chứng.

Nguồn lây từ bên ngoài

Theo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 11.6, có một nhân viên phòng công nghệ thông tin (CNTT) sàng lọc qua khai báo y tế có triệu chứng nghi ngờ nên BV lấy mẫu làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính Covid-19. Ngay lập tức, BV báo cáo Sở Y tế, đồng thời khẩn trương triển khai các hoạt động sàng lọc truy vết thần tốc, lên phương án cách ly, lấy mẫu cho tất cả nhân viên y tế trong BV, ưu tiên khẩn cho các trường hợp có liên quan với ca bệnh đầu tiên.

Sáng 14.6: TP.HCM thêm 30 ca Covid-19, tổng cộng 1.129 bệnh nhân

Đến sáng 13.6, BV đã hoàn thành xét nghiệm Covid-19 cho 887 nhân viên, trong đó có 834 nhân viên âm tính, và phát hiện thêm 52 nhân viên dương tính. Tất cả những người này chủ yếu tập trung tại các phòng ban khối hậu cần, như: CNTT (8 ca), phòng chỉ đạo tuyến (3 ca), phòng hành chính quản trị (17 ca), phòng tài chính kế toán (4 ca), phòng kế hoạch tổng hợp (3 ca), phòng tổ chức cán bộ (1 ca)... Ngoài ra, BV cũng đã lấy mẫu 88 bệnh nhân không nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các khoa nặng như: uốn ván, viêm não, HIV/AIDS, bệnh gan, tất cả đều âm tính.
Lực lượng hóa học Quân khu 7 phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chiều 13.6 ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Lực lượng hóa học Quân khu 7 phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chiều 13.6

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

BV Bệnh nhiệt đới cho biết thêm 53 nhân viên dương tính được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A, Nhiễm D. 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ 2 liều. Hiện tại, BV đang điều trị cho 94 bệnh nhân Covid-19 (bao gồm 53 nhân viên của BV), trong số đó có 35 ca nguy kịch đã hiện hữu từ các ngày trước. Bốn ngày trước, BV đã làm xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong BV, đều có kết quả âm tính.
Lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới cho biết thêm BV đã phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) điều tra dịch tễ. Bước đầu nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm này bắt nguồn từ khối hậu cần của BV, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên CNTT và nhân viên quản trị.

Bản tin Covid-19 ngày 13.6: "Thành trì" chống dịch của TP.HCM bị công phá

Sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm

Sáng 13.6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại BV Bệnh nhiệt đới nhằm dồn lực dập ổ dịch tại đây.
Trao đổi riêng với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đã chỉ đạo BV phong tỏa hoàn toàn, thực hiện nghiêm phong tỏa. Bệnh nhân không nhiễm Covid-19 thì cố gắng chuyển tối đa đến các BV khác được phân công. Với F0, F1, BV cần quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, tránh lây chéo trong F1, tránh mất sức chiến đấu trong nhân viên y tế. Các bộ phận khác thì tổ chức cách ly phù hợp, đảm bảo an toàn, rà soát và xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm.
Theo ông Sơn, chủng vi rút Ấn Độ lây rất nhanh, nên F1 có thể trở thành F0 trong thời gian tới nên cần theo dõi. Về điều trị, ông Sơn chỉ đạo BV tạm thời ngưng nhận bệnh nhân Covid-19 trong 1 tuần theo đúng thời gian tạm phong tỏa. Trong thời gian này, Sở Y tế sẽ bố trí các BV như BV điều trị Covid-19 Củ Chi, BV Phạm Ngọc Thạch (ngoài BV Bệnh nhiệt đới, TP.HCM thiết lập 7 cơ sở, với năng lực điều trị từ 3.000 - 5.000 bệnh nhân Covid-19) điều trị, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Những bệnh nhân quá nặng sẽ được hỗ trợ của BV Chợ Rẫy.

Quân đội phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, quyết chặn đứng Covid-19

21 tỉnh qua 14 ngày không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 mới

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong ngày 13.6, VN ghi nhận thêm 297 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh 3 ca và Quảng Nam 1 ca; 293 ca mắc do lây nhiễm trong nước ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang 129 ca, TP.HCM 95 ca, Bắc Ninh 54 ca, Hà Tĩnh 9 ca, Lạng Sơn 2 ca, Hà Nội 2 ca, Phú Thọ 1 ca và Bình Dương 1 ca. 254/293 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa; 39 ca trong cộng đồng và đang được điều tra dịch tễ.
Cùng ngày, thêm một ca mắc Covid-19 tử vong là bệnh nhân 5355 (nam, 76 tuổi) địa chỉ tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi tiến triển nặng do vi rút SARS-CoV-2 trên viêm đa khớp, xuất huyết tiêu hóa. Đây là bệnh nhân Covid-19 thứ 59 tử vong tại VN từ đầu dịch, là ca thứ 24 tử vong trong đợt dịch thứ 4.
Bên cạnh đó, hiện 21 tỉnh gồm: Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu và Điện Biên đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới.
Liên Châu
Ông Sơn chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TP.HCM, HCDC hỗ trợ công tác truy vết, đánh giá lại sự lây lan, lây nhiễm của các điểm dịch khác vào BV như thế nào…, để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong thời gian sớm nhất.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi phát hiện nhân viên BV Bệnh nhiệt đới nhiễm Covid-19, BV Nhân dân Gia Định xét nghiệm nhân viên có liên quan, thì phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19. Trường hợp thứ nhất là vợ nhân viên phòng CNTT BV Bệnh nhiệt đới; trường hợp thứ hai là đồng nghiệp của người vợ. BV Nhân dân Gia Định chưa tạm phong tỏa, đang gấp rút thực hiện quy trình phòng chống dịch bệnh lây lan.

Tầm soát kỹ, sao vẫn có bệnh viện “thủng lưới”?

Thực tế có nhiều BV vẫn bị “chọc thủng” dù tầm soát Covid-19 rất kỹ lưỡng, xét nghiệm thường xuyên nhân viên có nguy cơ nhiễm bệnh và sàng lọc bệnh nhân kỹ càng từ ngay cửa vào.
Theo lãnh đạo một BV ở TP.HCM, việc phòng thủ ở BV vẫn là hạn chế sự lây nhiễm thấp nhất trong BV, chứ không thể đảm bảo 100% ngăn được nguồn lây, khi nguồn lây bên ngoài cộng đồng phức tạp. “Kinh nghiệm cho thấy cứ chỗ nào có ổ dịch và có nhân viên y tế BV sống khu đó, là thông báo cho nhân viên ở nhà ngay, thậm chí đối với tình huống có dịch khu vực liền kề”, vị này nói.
Còn đối với bệnh nhân nội trú, Sở Y tế chỉ đạo các BV phải xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi cho nhập viện, kể cả người nuôi bệnh. Nhân viên dịch vụ trong BV cũng phải xét nghiệm Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.