‘Đón xuân này, tôi nhớ xuân xưa’

11/02/2024 09:30 GMT+7

Câu hát của nhạc sĩ Châu Kỳ vang lên trong chiều cuối năm làm lòng tôi bâng khuâng nhớ về những mùa xuân đã xa.

Tôi lục lại trong những ngăn ký ức của mình để tìm xem kỉ niệm của từng mùa xuân bên kia khung trời nhớ. Những trang ghi chép về mùa xuân đã vàng ố như những cuốn sách đã in từ vài chục năm trước.

Theo bà chuẩn bị đón tết

Thuở ấy, tôi chỉ là một đứa trẻ con. Mỗi lần thấy bố nhặt từng chiếc lá mai là lòng tôi nôn nao đến lạ. Những ngày cuối năm, tâm hồn tôi gửi cho tết. Tôi sung sướng khi nghĩ về những bộ quần áo mới tinh mà mẹ sẽ mang về, rồi ướm lên người thằng con trai. Tôi mong chờ một kỳ nghỉ tết dài hơn chục ngày và những chiếc bao lì xì đỏ như màu hai câu đối mà ông nội đã treo lên tả hữu gian thờ.

‘Đón xuân này, tôi nhớ xuân xưa’- Ảnh 1.

Mùa xuân về, tôi sẽ cùng gia đình đi chơi xuân

ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Ngày ấy, tết vui lắm. Bao giờ trong gian nhà nhỏ cũng đầy chật tiếng cười rộn ràng niềm vui tết, đó là những thanh âm mùa xuân đầu tiên. Những ngày ấy, tôi thấy ai cũng chộn rộn cả, cứ như đang chơi trò đuổi bắt với tết, phải chạy thật nhanh để bắt kịp tết. Bởi vậy, mẹ tôi thì tất bật đi làm từ tờ mờ sáng và mãi đến nhá nhem tối mới về nhà. Bố tôi cũng làm quần quật cả ngày. Hai ông bà đi ra ngoài để mang tết về. Còn tết ở nhà thì giao lại cho bà tôi.

Những ngày cuối năm, tôi được nhà trường cho "bế quan" ở nhà. Chính vì thế, đây là thời gian tôi được bám theo sát nách bà trong từng khâu chuẩn bị đón tết. Đó là dịp may để bây giờ tôi có thật nhiều kỷ niệm về bà để chia sẻ cùng thân hữu.

Những ngày giáp tết, bà cũng bận bịu luôn tay luôn chân. Ngày ấy vất vả. Tết đến không phải thứ gì cũng mua sắm, mà phải tính toán chi li, phải có "phương pháp tác chiến" phù hợp với tết. Nên những thứ gì có thể tự lo liệu được thì bà cứ "cây nhà lá vườn".

Mỗi lần tết, tôi sẽ được coi bà gói bánh tét, cắt bánh nổ, đổ bánh thuẫn, chuẩn bị dưa món… Bà tôi khéo. Bà khéo tiết kiệm và khéo tay làm bánh. Lá chuối bà rọc ở vườn nhà, phơi cho heo héo để gói bánh. Lạt bà tự tay chẻ một cách cẩn thận. Nếp cũng là của nhà gặt về từ hồi tháng ba. Mọi thứ đều là đồ tại gia cả.

Còn về làm bánh thì bà tôi số dzách. Bánh tét của bà không bao giờ có "hàng lỗi". Mà miếng nào miếng nấy khi tét ra thì đều như khuôn đúc. Bánh nổ thì bà rang hạt nếp nở bung xốp, cắt ra miếng nào cũng vuông vức. Bánh thuẫn nở đều như sự sinh sôi, phát triển ở năm sau… Bởi vậy, hàng nhà làm nhưng chất lượng ngang tầm hàng công nghiệp máy móc, dù rằng không nhãn mác, bao bì hoa hòe.

Ngày xưa, bà lơ xơ chạy giặc nên không được học hành tử tế. Nhưng bà tôi mang trong mình vốn văn hóa, văn nghệ phong phú vô cùng. Những khi ngồi chăm chú nhìn đôi tay gầy guộc của bà thoăn thoắt làm bánh, tôi luôn mê mẩn với những câu chuyện bà kể. Tôi sẽ biết được nguồn gốc, ý nghĩa của từng thứ bánh ấy.

Có lẽ nhờ hồi xưa được gần gũi với bà mà bây giờ tôi cũng sở hữu được chút đỉnh kiến thức về văn hóa ngày tết Việt Nam. Vì bố mẹ tôi phó thác tết nhà cho bà nên những nghi thức tế lễ tôi cũng được bà diễn giải một cách rành rẽ. Từ chỗ cúng ông Táo hăm ba, đến việc cúng tất niên, cúng rước ông bà, cúng giao thừa…, bà đều giải thích cặn kẽ, tận tường. Những câu chuyện thú vị cũng là ngòi nổ cho sở thích tìm tòi, khám phá của tôi. Nhưng thú thật, đến giờ tôi chỉ mới…"phá" thôi, chứ "khám" thì vẫn chưa có gì.

Đầu năm, cuối năm đều tràn ngập tiếng cười

Ngày nay, có vẻ những ngày cuối năm sẽ vui hơn những ngày đầu năm. Vì "công tác" chuẩn bị sẽ là lúc mọi người quây quần và trò chuyện nhiều hơn. Còn những ngày đầu năm, khi có sự tham gia của "chiếc điện thoại thần kì" thì những câu chuyện sẽ vắng mặt phần nhiều.

Nhưng ngày xưa, có vẻ như cả đầu và cả cuối năm đều tràn ngập tiếng cười, sự rộn ràng đón tết. Cuối năm, cứ nghe tiếng đóng bánh lách cách là ai nấy cảm nhận được không khí tết. Đầu năm, tiếng pháo đì đùng mở màn và những lời chúc tụng nối tiếp, cùng với những lần đại gia đình tề tựu ở nhà trên sẽ là đỉnh điểm của niềm vui xuân.

Sáng mùng một, lần lượt từng người sẽ chúc tết nhau, rồi có "chương trình" lì xì hết sức hấp dẫn những đứa trẻ như tôi. Niềm vui sẽ vỡ òa và nở tung thành những nụ cười tíu tít khi trên tay chúng tôi cầm những chiếc bao đỏ. Hồi đó nhỏ dại, ăn chưa no lo chưa tới nên chúng tôi thường lấy giá trị trong phong bao lì xì làm thước đo của tình thương. Hễ ai lì xì nhiều thì người đó thương mình nhiều, và ngược lại.

Nhưng may mắn cho tôi, bà tôi mang vốn văn hóa ra giải thích về ý nghĩa của bao lì xì, để uốn lại những suy nghĩ sai lệch của tôi. Rồi mọi người sẽ kéo nhau đi chùa, đi chơi xuân trong làn gió mơn man của những ngày đầu năm mới.

‘Đón xuân này, tôi nhớ xuân xưa’- Ảnh 2.

Sáng mùng một, mọi người sẽ chúc tết nhau và diễn ra chương trình lì xì

NGUYỄN CÔNG THÀNH

Rồi cứ như vậy, gia đình tôi sẽ quây quần bên mâm cơm tết từng buổi một, không vắng mặt một người nào. Chả bù bây giờ.

Bây giờ, kẻ đi đông, người đi tây, trở thành những cánh chim lạc bầy. Tết đìu hiu như những cơn gió chiều thổi tạt qua hiên nhà. Bữa cơm ngày tết cũng không còn đầm ấm, bát cơm ngun ngút khói mà vẫn nghe lạnh tanh. Kinh tế khá hơn, tết đến cái gì cũng được mang từ các tiệm bách hóa về nhà. Bà tôi cũng đã theo khói hương nghi ngút.

Vì hồi xưa bố mẹ tôi chỉ lo "chạy vòng ngoài" nên không biết gói bánh gói kẹo gì cả. Tôi theo bà, nhưng chẳng có cái hoa tay nào nên cũng đành chịu. Những ngày giáp tết đã bớt đi sự rộn ràng mà thay vào đó là những tất bật và lo toan chuyện tiền nong. Tết mất đi niềm vui và nguôi bao ý nghĩa.

Giờ đây, đứng trước gian thờ khói hương thơm thơm là là bay lên cao, tôi chợt nhớ những ngày xưa nép bên bà nghe lâm râm lời khấn. Nhìn mâm cỗ tết, tôi chợt thương quá bàn tay bà tôi và những ký ức ngày xưa quẩn quanh trong trí óc như những cánh bướm đang vờn trên cành hoa xuân. Tôi tự hỏi lòng đang nhớ tết xưa hay nhớ người xưa, vậy mà nghe lòng rưng rưng và niềm thương tràn ngập…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.