Được đánh giá là “rất cần thiết và vô cùng cấp bách”, nhưng việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn đang phải... chờ cơ chế.
Từ cuối năm 2017 tới nay, Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) đã nhiều lần báo cáo lên Bộ GTVT, Bộ cũng đã báo cáo lên Chính phủ, nhưng vướng mắc cơ chế khiến việc sửa chữa vẫn chỉ mang tính chắp vá, tạm bợ và hư hỏng mỗi ngày thêm nặng nề hơn.
“Tiền có mà cơ chế không cho làm”, doanh nghiệp (DN) có tiền nhưng không thể chủ động sửa do đây là tài sản công, trong khi ngân sách trung hạn phân bổ cho Bộ GTVT lại không đủ bố trí.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, từ năm 2017 sau khi ACV cổ phần hóa, toàn bộ khu bay, trong đó có đường cất hạ cánh, đường lăn theo quy định thuộc về tài sản công, do nhà nước quản lý và bố trí vốn đầu tư, nâng cấp. ACV không có thẩm quyền bỏ vốn đầu tư, chỉ được phép duy tu sửa chữa thường xuyên để duy trì điều kiện khai thác.
Để khắc phục, Bộ GTVT đề xuất ứng trước 4.200 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV để đầu tư, sửa chữa và nhà nước hoàn trả sau, nhưng bị Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính phản đối do vướng quy định về quản lý tài sản công và ngân sách nhà nước, nên cũng không thực hiện được.
Hiện ACV phải áp dụng công nghệ kiểm tra hằng ngày, hằng giờ với các đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhưng cũng chỉ cố gắng duy trì hết mùa mưa năm nay.
Nhìn rộng ra, dù là lĩnh vực tăng trưởng nóng, số lượng hãng hàng không tăng dần theo mỗi năm, nhưng đầu tư hạ tầng sân bay thì luôn trong điệp khúc “chờ cơ chế”: chờ cơ chế để nâng cấp, sửa chữa khu bay, chờ để xây thêm đường lăn, chờ xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất… Trong khi đó, nút thắt hạ tầng quá tải, xuống cấp không được giải tỏa, đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng của thị trường hàng không.
Để không bị làm “khó dễ” vì cơ chế, trong Đề án quản lý khai thác hạ tầng khu bay, Bộ GTVT đã đề xuất các giải pháp, trong đó tính tới việc giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhưng không tính thành phần vốn nhà nước tại DN. Nói cách khác, nếu đề án được thông qua, vướng mắc về cơ chế có thể được giải tỏa, ACV có thể sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay và từ nguồn tiền ứng trước để đầu tư, sửa chữa, mà không gia tăng gánh nặng cho ngân sách.
Nhưng đề án là chuyện lâu dài, việc trước mắt là phải nhanh chóng sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, vì chậm thực hiện ngày nào là mất an toàn ngày đó, thậm chí có nguy cơ phải đóng cửa bất kỳ lúc nào. Muốn như vậy, phải sớm quyết cơ chế tài chính linh hoạt, thay vì cứ nâng lên đặt xuống trên bàn làm việc của các bộ ngành như hiện nay.
Bình luận (0)