Chưa nói đến tính năng, công nghệ, quyền hạn... chỉ vấn đề bất bình đằng trong quản lý thuế giữa “ông lớn” ngoại và “ông nhỏ” nội như hiện nay, doanh nghiệp (DN) Việt đã khó cạnh tranh.
Cứ hình dung đơn giản thế này, doanh thu lớn, không phải đóng thuế các ông lớn ngoại tha hồ sử dụng nguồn lực thu được mà đầu tư, nâng cấp tính năng, tiện ích, công nghệ, dịch vụ... cho người sử dụng. Còn các DN nội tiềm lực tài chính yếu hơn, sinh sau đẻ muộn, chấp hành nghĩa vụ thuế - phí đầy đủ thì vốn đầu tư, tái đầu tư sẽ càng mỏng hơn, chất lượng cũng như dịch vụ kém hơn. Vậy là thua thôi!
Thế nên, cùng một sân chơi, nếu chỉ thu thuế của DN nội mà không thu được của các công ty xuyên biên giới được ví như một hình thức “bảo hộ ngược”, giúp DN ngoại chèn lấn DN nội ngay chính sân nhà.
Việc mỗi năm thất thoát hàng tỉ USD với các “ông lớn” Facebook, Google; chuyện các DN trong nước trong lĩnh vực dịch vụ đặt phòng trực tuyến "không lớn nổi" vì bất bình đẳng thuế so với Agoda, Booking... nói nhiều năm nay rồi có thay đổi gì đâu. Thế nên họ cứ thống lĩnh thị phần, cứ bành trướng quy mô và cứ né thuế công khai như vậy.
Thất bại quản lý thuế với Facebook, Google... không chỉ khiến ngân sách thất thu, các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực này thiệt thòi mà còn có thể biến VN thành địa chỉ “né” thuế trong thời buổi kinh tế chia sẻ đang phát triển như vũ bão hiện nay khi các nước thu được còn ta thì không.
Nên nhớ, nếu như ở VN kinh tế chia sẻ còn khá hạn chế, mới chỉ loanh quanh vài lĩnh vực như ứng dụng gọi xe, cho vay ngang hàng, đặt phòng dịch vụ... thì trên thế giới, kinh tế chia sẻ hết sức phong phú, đa dạng. Từ giao thông vận tải, ngân hàng (lĩnh vực cho vay ngang hàng, xây dựng (condotel, officetel), du lịch, thương mại điện tử, bán lẻ trực tuyến, lao động việc làm, dịch vụ tài chính cho vay vốn, quảng cáo trực tuyến...
Nói chung là từ ngoài cửa vào đến phòng ngủ, mọi lĩnh vực ngành nghề, mọi nhu cầu cuộc sống giờ đây đều có thể chia sẻ. Nếu không quản lý được, thất thu ngày càng lớn, DN nội sẽ ngày càng teo tóp.
Phải thừa nhận, quản lý thuế với các dịch vụ xuyên biên giới không đơn giản, không chỉ VN thất thu mà nhiều nước cũng đau đầu. Thế nhưng, không phải là không thể. Thông thường, các cá nhân hay DN có quảng cáo đều thanh toán thông qua hệ thống thanh toán quốc tế tại các ngân hàng. Đây là một đầu mối để ta có thể lấy đó làm cơ sở tính toán ra doanh thu, lợi nhuận mà các ông lớn này thu được từ VN. Từ đó, có biện pháp quản lý, thu thuế chứ không thể để họ mãi hưởng lợi, ta mãi trắng tay được.
Hy vọng luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 vừa ban hành sẽ siết lại việc bất bình đẳng thuế hiện nay, nếu không thì ai chơi lại các “ông lớn”, ngay cả khi cạnh tranh trên sân nhà?
Bình luận (0)