Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 2: Tấm văn bia bị đánh cắp

09/12/2014 05:00 GMT+7

Tấm văn bia này đang được tạm giữ tại trụ sở UBND xã Bình Định Bắc (H.Thăng Bình, Quảng Nam) sau một vụ trộm bất thành.

>> Đồng Dương kỳ bí: Pho tượng bồ tát bị bẻ hoa sen

Một thời huy hoàng của Phật viện  - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu
Một thời huy hoàng của Phật viện  - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu 

Bia cổ bị trộm giữa ban ngày

Khu di tích Phật viện Đồng Dương dù đã trở thành phế tích từ lâu nhưng bên dưới lớp đất vẫn còn rất nhiều hiện vật. Nhiều người dân trong làng thỉnh thoảng đào bới vẫn gặp những tảng đá vỡ nát mà trước đây người Chăm đã dùng để xây thành tháp cổ. Và tấm văn bia đang được UBND xã Bình Định Bắc gìn giữ là một trong những hiện vật nằm trong số đó. Tuy nhiên, chỉ đến khi những tên trộm cổ vật lần mò vào địa phương và bị bắt khi cố đem tấm bia này ra khỏi làng thì người Đồng Dương mới hay tấm bia này đã tồn tại trong Phật viện từ nhiều năm qua mà họ không hề biết. “Một buổi sáng năm 2012, chúng tôi nhận được tin báo có người lạ vào khu Phật viện để tìm kiếm vật gì đó. Vì địa phương xảy ra nhiều vụ trộm cổ vật và hiện vật từ tháp nên chúng tôi đã huy động lực lượng để chặn bắt chiếc xe vận chuyển. Đến trưa, khi chiếc xe định rời địa phương thì chúng tôi chặn lại và thu giữ tang vật là tấm bia Chăm cổ này”, ông Trà Tấn Phúc, Phó trưởng Công an xã Bình Định Bắc kể.

Theo ông Phúc, mặc dù là người địa phương và cũng là hậu duệ người Chăm xưa nhưng chưa bao giờ ông biết đến tấm bia này. Mãi đến khi nhóm người đánh cắp lén lút khai quật và bị bắt, ông cũng như nhiều người dân mới biết. Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho biết thêm khi bị bắt giữ, tấm bia chỉ còn nửa trên, phần còn lại ở đâu ông vẫn chưa rõ. “Tấm bia rất nặng, phải đến 8 người khiêng mới nổi. Sau đó, chính tôi đã bỏ tiền túi ra, thuê người chuyển về để ở trụ sở ủy ban cho đến bây giờ”, ông Túc nói.

Theo quan sát của PV, tấm bia ký đã bị vỡ ở phần đỉnh với chiều ăn sâu vào thân bia khoảng 30 cm, phần thân bên phải bị vỡ nặng nhất, ăn liền vào bia khoảng 40 cm. Phần bia có 3 mặt còn ký tự, trong đó mỗi mặt có 14 dòng ký tự còn rõ. Trên bề mặt bia có nhiều vết xước được cho là bị đục đẽo. Phần bia được phát hiện cao khoảng 1,2 m, rộng khoảng 0,8 m, độ dày 25 - 30 cm.

Bí ẩn chờ giải mã

Bia ký được phát hiện ngay tại khu Phật viện không nhiều. Nhiều người lớn tuổi tại Đồng Dương cho biết, ngày xưa tại khu vực này có 2 tấm bia rất lớn nhưng sau này đã được chuyển đi đâu không rõ. Sau khi tấm bia được đưa về UBND xã Bình Định Bắc, nhiều người tộc Trà - hậu duệ của vương quốc Champa xưa - đã đến xem nhưng không ai dịch được những ký tự khắc trên nó. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng có người đến xem rồi ra về. Những thông tin trên tấm bia vẫn là ẩn số.

Tấm văn bia bị sứt mẻ đang được lưu giữ tại UBND xã Bình Định Bắc - Ảnh: Hoàng Sơn
Tấm văn bia bị sứt mẻ đang được lưu giữ tại UBND xã Bình Định Bắc - Ảnh: Hoàng Sơn

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tại Đồng Dương, người Pháp đã tìm thấy và dịch 2 tấm bia có ký hiệu là Đồng Dương 1 và Đồng Dương 2. Bia Đồng Dương 1 cao 1,6 m, rộng 0,97 m, dày 0,28 m được đặt trên đế bia hình chữ nhật. Bia khắc chữ 4 mặt theo thứ tự gồm 24, 23, 24 và 31 dòng. Bia được viết bằng tiếng Phạn dưới dạng thơ, trừ phần mở đầu và 2 đoạn văn xuôi ở cuối mặt thứ 2 và thứ 4 của bia ký. Nội dung nói đến việc vua Indravarman 2 lập bia, đề cập đến việc xây dựng đền thờ và Phật viện, sự tôn kính đối với Bồ tát Laksmindra Lokesvara. Bên cạnh đó, bia cũng nhắc đến việc vua Indravarman 2 là người sáng lập vương triều Indrapura và phả hệ các vị vua. Bia Đồng Dương 2 lại có nội dung vinh danh công nương Haradevi Rajakula (em gái của mẹ nhà vua Jaya Sinhavadman 1). Theo các nhà nghiên cứu, 2 tấm bia này đều có niên đại cuối thế kỷ thứ 9, đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về di tích và nhiều vấn đề lịch sử văn hóa của vương quốc Champa lừng lẫy một thời.

Các tài liệu chúng tôi có được chủ yếu nhắc đến 2 tấm bia trên. Nhiều tham luận tại hội thảo quy mô với chủ đề về Đồng Dương được UBND tỉnh Quảng Nam, tổ chức tháng 8.2011, cũng chưa hề nhắc đến có tấm văn bia thứ 3 tại Đồng Dương. Trong cuốn Văn bia Chăm ở miền Trung do Trung tâm quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Nam xuất bản vào tháng 10.2014 cũng chưa đề cập đến tấm văn bia mới phát hiện gần đây. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc trung tâm, cho biết cuốn sách là tập hợp 134 bản dịch văn bia Chăm từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. “Tất cả bia ký Chăm đều đã được dịch hết. Trong đó nội dung chính (kể cả ở Đồng Dương) các văn bia là ước nguyện của người làm bia, niên đại tạo bia và là một bài cúng”, ông Cẩm nói thêm.

Nhiều người làng Đồng Dương cho biết tấm bia đang đặt tại trụ sở mới được phát hiện từ dưới đất. Theo ông Trà Tấn Túc, vào năm 2013 có một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm tìm về xã và sao y các ký tự trên văn bia. Tuy nhiên, sau đó người này không cho biết nội dung trên bia cũng như niên đại. Bia này có phải là bia Đồng Dương 2 hay là một tấm bia mới được tìm thấy vẫn chưa có lời giải.

Hoàng Sơn

>> Phát hiện rùa đá và tấm bia đá cổ
>> Khai quật 161 hiện vật và mảnh hiện vật văn hóa Chăm
>> Nghiên cứu văn hóa Chăm tại xứ Quảng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.