Cuộc tọa đàm được mở rộng về nội dung, quy mô từ Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội, không chỉ bàn về các vấn đề kinh tế mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội chủ trì diễn đàn này.
Một trong những nội dung của cuộc tọa đàm là đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội VN cũng như các kiến nghị, giải pháp cho VN từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo. Mục tiêu của tọa đàm là tập hợp được trí tuệ, đóng góp không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn thu hút, hình thành mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước và quốc tế để làm luận cứ đầu vào có tính khoa học cho Chính phủ và Quốc hội đưa ra những quyết sách của mình.
Sáng qua 26.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp (DN) để bàn các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây là lần thứ 2 Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ trực tiếp đối thoại với cộng đồng DN trong vòng 2 tháng qua. Còn theo Thủ tướng Phạm Minh Chính thì trong gần 5 tháng kể từ đợt dịch thứ 4 (27.4) tới nay, ông đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng DN cả trong và ngoài nước, để lắng nghe và giúp DN tháo gỡ các khó khăn.
Có thể thấy, cho tới hiện nay dịch bệnh đã qua thời điểm căng thẳng, nguy hiểm nhất và đây là thời điểm để bàn tới những quyết sách nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh; để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa sớm khôi phục và phát triển kinh tế. Cuộc tọa đàm của Chủ tịch Quốc hội hay đối thoại của Thủ tướng với các DN - những “huyết cầu” của nền kinh tế, có lẽ nhằm mục tiêu đó.
Những cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước đang cùng nhau vào cuộc với nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế ngay trong đại dịch. Điều cần làm lúc này là các cơ quan, bộ, ngành, cả hệ thống chính trị đồng hành, triển khai ngay những quyết sách đúng đắn vào thực tiễn. Chúng ta đã có 2 năm đồng lòng chống dịch; và giờ đây khi khó khăn vẫn còn trước mặt, là lúc cần phải đồng hành để khôi phục kinh tế.
Vì rằng, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong cuộc đối thoại hôm qua: “Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển”. Và cũng bởi, bài học kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy từ nghị quyết tới thực tiễn vẫn còn khoảng cách và khâu tổ chức thực hiện vẫn luôn là khâu yếu.
Bình luận (0)