Động lực bứt phá 2023: Cao tốc liền dải Bắc - Nam

01/01/2023 05:28 GMT+7

Hôm nay 1.1.2023, 9 địa phương trên cả nước từ Hà Tĩnh đến Cà Mau đồng loạt khởi công 12 gói thầu đầu tiên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Trước đó 1 ngày, 98,3 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế cũng khánh thành, cùng 3 đoạn còn lại thuộc giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) chính thức thông xe kỹ thuật.

Một dải cao tốc xuyên suốt dọc dài đất nước từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau đã dần thành hình.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn (trái) tại vị trí bắc cầu Tuần (xã Hương Thọ, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), khánh thành ngày 31.12.2022

B.N.L

“Mệnh lệnh” 31.12.2022

“Mưa dầm dề, dai dẳng…; công trường lầy lội, máy móc nằm im, công nhân ngồi lán nhìn trời, trừ những ngày mưa như thế còn suốt mấy tháng qua, anh em kỹ sư, công nhân đang thi công trên tuyến Mai Sơn - QL45 ngày nào cũng dừng máy khi đồng hồ đã chạy quá 0 giờ”, một cán bộ thuộc Bộ GTVT xúc động xen lẫn lo lắng kể lại chuyến thực địa công trường đoạn Mai Sơn - QL45 thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình.

Tâm trạng này là có thể hiểu được bởi trước đó, sau thời gian dài bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), các dự án khởi công trong vô vàn khó khăn khi đối mặt với thời gian dài giãn cách vì Covid-19, bão giá nguyên vật liệu càn quét, thời tiết bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ… Gần tới quý 3, hàng loạt gói thầu vẫn nối tiếp nhau báo cáo tiến độ từ “chậm” tới “rất chậm”. Bộ GTVT đã phải phát động kế hoạch thi đua “120 ngày đêm” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban quản lý dự án (QLDA), các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu đến ngày 31.12.2022 hoàn thành đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật 3 đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng với đó, hàng loạt nhà thầu yếu kém đã bị điểm mặt chỉ tên, thẳng tay loại khỏi dự án, thay thế bằng nhà thầu khác với loạt mũi thi công được bổ sung để bù lại tiến độ bị chậm. Trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực; tổ chức thi công “3 ca”, “4 kíp”. Sản lượng trung bình thi công tháng của các dự án trước đó chỉ từ 2 - 2,5% đã tăng lên 4 - 4,5%.

Tiến độ trên các công trường cũng đã có chuyển biến rõ rệt, từ sản lượng tháng 9.2022 khoảng 50% đến 31.12.2022 đạt được gần 80% toàn dự án và trên 90% của tuyến chính. Nhưng vẫn chưa phải đã hết khó khăn. Từ đầu tháng 9, mưa trái mùa liên tục đổ về khiến việc thi công tuyến cao tốc gặp rất nhiều khó khăn. 7 trạm trộn bê tông nhựa, 6 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 5 dây chuyền rải cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 8 máy san, 8 máy ủi, 34 lu rung… số lượng máy móc các nhà thầu huy động đã vượt số lượng yêu cầu trong hợp đồng.

2022 nhìn lại: GDP cao kỷ lục và điểm sáng kinh tế Việt Nam

Ở công trường các đoạn Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng tương tự. Một cuộc chạy đua tiến độ trong những tháng, thậm chí là những ngày cuối cùng trong năm của các nhà thầu đã diễn ra vô cùng quyết liệt để hoàn thành thi công các gói thầu 4 dự án cao tốc Bắc - Nam theo chỉ đạo của Chính phủ: Dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2022.

Kết quả, đúng mốc tiến độ được giao, ngày cuối cùng của năm 2022, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đi qua Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế với tổng mức đầu tư 7.669 tỉ đồng chính thức khánh thành. 33 cầu trên tuyến cao tốc cùng 16 cầu vượt ngang, 5 nút giao liên thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác trong niềm hân hoan của lãnh đạo ngành giao thông, chủ đầu tư, hàng ngàn anh em công nhân, kỹ sư đã miệt mài dầm mưa dãi nắng hơn 3 năm trên công trường cũng như hàng triệu người dân miền Trung có tuyến cao tốc chạy qua.

Ba dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã vượt khó thông xe kỹ thuật cùng ngày. Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các Ban QLDA, nhà thầu phát huy kết quả đạt được của phong trào thi đua “120 ngày đêm”, giữ vững nhịp độ, không khí khẩn trương, quyết tâm thi công trên công trường, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng trước ngày 30.4.2023.

[FLYCAM] Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây trong ngày thông xe kĩ thuật

Đột phá từ thủ tục đến tư duy

Tiếp sau các dự án cuối cùng của giai đoạn 1 lần lượt về đích, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đồng loạt khởi công trong ngày đầu tiên của năm mới.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ chưa đầy 12 tháng, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục để khởi công đồng loạt 12 dự án từ Hà Tĩnh đến Cà Mau. “Các dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia khác, thời gian chuẩn bị đầu tư tối thiểu 2 năm, nhưng với cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chỉ cần 12 tháng là khối lượng công việc khổng lồ. Từ các đơn vị tư vấn, Ban QLDA, hội đồng GPMB, bà con địa phương vùng dự án, các bộ ngành địa phương, đặc biệt là Thủ tướng, Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, đảm bảo đủ điều kiện để khởi công”, ông Huy thông tin.

Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Quý Mão, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP thi công đồng loạt trước ngày 31.3.2023.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến năm 2025 phải hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Hiện nay đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.417 km (tính cả cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới thông xe), như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600 km. Ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, có 5 dự án cao tốc khác cũng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 được áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù như chỉ định thầu; GPMB trước, mục tiêu hoàn thành toàn bộ trong quý 2/2023; rút gọn thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến hành nhiều bước song song nhau; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu và giao trực tiếp quyền khai thác cho nhà thầu...

Về GPMB, từ tháng 6.2022 tới nay, sau khi nhận bàn giao cọc GPMB, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng GPMB và triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Tính đến nay, các địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích GPMB đáp ứng yêu cầu khởi công.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay dự án bám sát các mốc tiến độ yêu cầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… phải tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc để triển khai thi công đồng loạt các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Về phía địa phương, yêu cầu phải GPMB gấp rút trên các diện tích còn lại, đảm bảo bàn giao toàn bộ trong quý 2/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải...

Kích hoạt các mạch máu kinh tế

Hạ tầng giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế. Ở giai đoạn hiện tại, vai trò của tuyến hành lang vận tải Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau còn kiêm thêm nhiệm vụ phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế sau đại dịch thế kỷ. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng từng khẳng định cao tốc Bắc - Nam chưa xong thì chưa thể nói đến chuyện bứt phá kinh tế. Sau 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (TP.HCM - Trung Lương) vào năm 2004, cả nước mới có 1.163 km đường cao tốc đi vào khai thác, tốc độ xây dựng trung bình 74 km/năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc.

Tương tự, dù năng lực cạnh tranh kinh tế của VN đã tăng bậc rất nhanh, song chỉ số kết cấu hạ tầng đường bộ còn thấp, đứng thứ 104/141 quốc gia, chỉ số về chất lượng đường bộ đứng 103/141. Vì thế, việc đẩy mạnh tuyến cao tốc Bắc - Nam không chỉ “thông đại lộ sinh đại phú” mà còn là khát vọng của người dân VN từ mũi Cà Mau tới địa đầu Tổ quốc. Tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc.

Với hơn 40 năm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông, kỹ sư Vũ Đức Thắng, chuyên gia quy hoạch, thiết kế, xây dựng giao thông đô thị, nhấn mạnh cao tốc Bắc - Nam là tuyến huyết mạch quan trọng nên “dù kinh phí tốn kém, đắt đỏ cũng phải cố gắng ưu tiên để đảm bảo sớm hoàn thành”. Cụ thể, về mặt tuyến, các điểm đấu nối và hệ thống đường bộ chung của VN hiện nay có rất nhiều hạn chế. Không chỉ nhiều tuyến đường mãn tải, quá tải mà việc bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt còn khiến nhiều tuyến đường nhanh chóng bị tàn phá, thường xuyên rơi vào tình trạng không đảm bảo được thông suốt cho các phương tiện lưu thông. Bất cập hạ tầng đường bộ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận chuyển hàng hóa, kéo giá thành vận tải hàng hóa tăng cũng như tiện nghi đi lại của người dân bị hạn chế. “Vì thế, trong suốt nhiều năm qua, tuyến cao tốc Bắc - Nam được trông đợi rất nhiều. Con đường thông suốt trên trục dọc của đất nước sẽ đảm bảo chất lượng vận tải hàng hóa cũng như vận tải hành khách, bao gồm chất lượng và tiện nghi từ Bắc đến Nam. Chất lượng vận tải được cải thiện sẽ giúp cho hàng hóa đỡ hư hỏng, bớt hao hụt, kéo giảm giá thành hàng hóa; tiện nghi đi lại nâng cao sẽ đảm bảo sức khỏe, sự vui tươi của người dân khi đi dọc tuyến”, kỹ sư Vũ Đức Thắng đánh giá.

Cũng theo kỹ sư Thắng, tuyến cao tốc Bắc - Nam còn thúc đẩy các đô thị thuộc các tỉnh, thành dọc tuyến phát triển; mở ra các đường xương cá để từ các địa phương phát triển theo trục ngang. Tất cả các TP, đô thị dù không nằm trên trục cao tốc nhưng vẫn có thể được kết nối để thuận tiện cho việc đi lại. Các “mạch máu” sẽ được kích hoạt, tạo sức bật đột phá kinh tế cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.