Dòng máu anh hùng: Có những tuổi 20 như thế

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
10/03/2023 06:18 GMT+7

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (36 tuổi, quê Quảng Bình, hiện là trợ lý tác chiến thuộc Phòng Tham mưu, Vùng 4 hải quân) là con trai út của liệt sĩ - thượng úy Nguyễn Mậu Phong (Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân) hy sinh ngày 14.3.1988 tại Gạc Ma (H.Trường Sa, Khánh Hòa).

Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma

Đầu năm 2018, chúng tôi vào công tác Vùng 4 hải quân, chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng (khi ấy là Chính ủy Vùng 4 hải quân) đưa xuống thăm cảng 4 và chỉ cậu thượng úy trẻ đang rành rọt khẩu lệnh hướng dẫn bộ đội tàu vận tải quân sự 633, Hải đội 413 (nay là Lữ đoàn 955), huấn luyện chiến đấu, bảo: "Đó là thượng úy - thuyền trưởng Nguyễn Tiến Xuân, con trai út của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, cùng đơn vị với tôi hồi tháng 3.1988".

Ông Nguyễn Mậu Phong sinh năm 1959 ở xã Duy Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình). Năm 1977, khi đang học dở lớp 10, Nguyễn Mậu Phong tình nguyện viết đơn nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Chiến tranh biên giới phía bắc xảy ra, ông lại khoác ba lô ngược ra Bắc bảo vệ khu vực biên giới Quảng Ninh. Năm 1981, ông Phong được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai), đến năm 1984 tốt nghiệp, được phân công về Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân.

Dòng máu anh hùng: Có những tuổi 20 như thế - Ảnh 1.

Bộ đội Lữ đoàn 83 công binh hải quân đưa xuồng, pông tông lên tàu của Lữ đoàn 125, hành quân ra đóng giữ đảo ngoài quần đảo Trường Sa

TƯ LIỆU

Do đã qua chiến đấu và tốt nghiệp sĩ quan chỉ huy, nên ngay khi về Lữ đoàn 146, ông Phong liên tục được cử đi công tác ngoài đảo. Đầu tháng 3.1987, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương lệnh cho Lữ đoàn 146 thực hiện nhiệm vụ CQ-87 (bảo vệ chủ quyền, năm 1987), khẩn trương đóng giữ các đảo Thuyền Chài, Tiên Nữ, Đá Tây, Đá Lớn, Chữ Thập…

Thời điểm này, thượng úy Nguyễn Mậu Phong đang nghỉ phép tại quê Quảng Bình, được đơn vị gọi vào Cam Ranh (Khánh Hòa) chuẩn bị ra đảo làm nhiệm vụ.

Tối 11.3.1988, thượng úy Nguyễn Mậu Phong được giao chỉ huy lực lượng phòng thủ đảo Gạc Ma (Phó chỉ huy trưởng là thiếu úy Trần Văn Phương), cùng với 2 khung xây dựng của Lữ đoàn công binh 83, tổ đo đạc của đoàn 6, theo tàu HQ-604 (Lữ đoàn 125) ra Gạc Ma.

Sáng 14.3.1988, các tàu chiến Trung Quốc bất ngờ tấn công lực lượng phòng thủ, công binh đang tôn tạo trên đảo Gạc Ma và tàu HQ-604 đang neo cạnh đảo, làm tàu chìm và 64 bộ đội ta hy sinh, trong đó có thượng úy Nguyễn Mậu Phong (Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma).

Lính đảo Nam Yết

Chúng tôi tìm về xã Duy Ninh gặp bà Trần Thị Liễu (63 tuổi, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong), nghe kể: bà Liễu đã có 3 năm công tác tại Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) tại Gia Lai. Năm 1983, bà Liễu xuất ngũ và tháng 5.1984 làm đám cưới với ông Phong.

Tháng 8.1985, bà Liễu sinh con trai đầu Nguyễn Mậu Trường, nhưng do ông Phong đang ngoài đảo, nên mãi tháng 2.1987 mới được nghỉ phép, về nhìn mặt con trai. Kỳ nghỉ phép này, bà Liễu có bầu con trai út Nguyễn Tiến Xuân, và từ thời điểm trả phép sớm cho đến khi hy sinh ngoài Trường Sa, ông Phong chỉ biết tin con trai sinh tháng 11.1987.

Sau khi chồng hy sinh, bà Liễu tần tảo nuôi con khôn lớn. Cậu cả Nguyễn Mậu Trường học hết THPT thì học nghề điện lạnh ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, ra trường đi làm điện dân dụng suốt 2 năm. Đầu năm 2007, Trường nhập ngũ vào đúng đơn vị của bố (Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân) và ra đảo Nam Yết (Trường Sa) làm khẩu đội trưởng ĐKZ.

Hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, mặc dù Thủ trưởng Vùng 4 hải quân hướng cho đi học chuyên môn kỹ thuật, làm quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài cho quân đội, nhưng Trường từ chối với lý do: "Tôi phải về chăm sóc mẹ thay cho bố và em trai". Hiện Trường làm nghề điện lạnh ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), vợ anh (công nhân may) và 2 con ở cùng nhà tại quê, chăm sóc bà Liễu.

Trợ lý tác chiến vùng

Năm 2007, khi Nguyễn Mậu Trường nhập ngũ cũng là lúc em trai Nguyễn Tiến Xuân tốt nghiệp THPT. Muốn theo con đường của bố nên Xuân thi Học viện Hải quân.

Tháng 11.2011, thiếu úy Nguyễn Tiến Xuân tốt nghiệp Học viện Hải quân và nhận công tác tại tàu Trường Sa 14, thuộc Hải đội 411, Vùng 4 hải quân (nay là Lữ đoàn 955). Sau đó, thiếu úy Xuân trưởng thành lên phó thuyền trưởng rồi thuyền trưởng tàu 633, thường xuyên ra làm nhiệm vụ vận tải quân sự, chi viện các đảo và trực bảo vệ chủ quyền ngoài Trường Sa.

Dòng máu anh hùng: Có những tuổi 20 như thế - Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân bên mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa, tháng 5.2022

TƯỜNG LINH

Nguyễn Tiến Xuân chia sẻ: "Chuyến đầu tiên về công tác Vùng 4, theo tàu ra Trường Sa qua Gạc Ma, em thả xuống biển cho cha cùng đồng đội một bó huệ trắng và khấn: con là Nguyễn Tiến Xuân, hôm nay con đã ra với cha. Giờ liên tục ra với quần đảo, nhưng thói quen thả hoa vẫn như lần đầu tiên".

Năm 2020, đại úy Nguyễn Tiến Xuân nhận nhiệm vụ trợ lý quân huấn của Lữ đoàn tàu đổ bộ vận tải 955. Năm 2022, Nguyễn Tiến Xuân được phong quân hàm thiếu tá, chuyển lên Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân làm trợ lý tác chiến, thuộc phòng Tham mưu, mỗi năm ít nhất vài lần đưa các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa.

Cha con cùng lữ đoàn

Thượng úy - quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thủy (nhân viên văn thư - bảo mật thuộc Lữ đoàn 146) là con gái của Anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Phương, hy sinh ngày 14.3.1988.

Anh hùng Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, H.Quảng Trạch (nay là P.Quảng Phúc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình). Tháng 3.1983, ông học xong lớp 10/10, nhập ngũ và được cử đi học lớp kế toán pháo binh.

Tháng 1.1984, ông Trần Văn Phương làm khẩu đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 862 (Lữ đoàn 146) và được cử đi học trường Quân chính Quân khu 7. Tháng 1.1986, ông Phương trở về đơn vị, được bổ nhiệm trung đội trưởng và phong quân hàm thiếu úy.

Ngày 11.3.1988, tàu HQ-604 (Lữ đoàn 125 hải quân) chở 2 khung nhà cao chân và gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 công binh, Lữ đoàn 146 và đoàn đo đạc biên vẽ bản đồ - nghiên cứu biển rời quân cảng Cam Ranh ra Trường Sa, cùng tàu HQ-505, HQ-605 đến đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Thiếu úy Phương đi trong đoàn với chức danh Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.

Đêm 13.3.1988, bộ đội công binh và tàu HQ-604 vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma. Lực lượng đóng giữ đảo của Lữ đoàn 146 do thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy đã đổ bộ lên Gạc Ma, cắm cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền và triển khai 2 tổ bảo vệ bãi đá.

Dòng máu anh hùng: Có những tuổi 20 như thế - Ảnh 1.

Thượng úy - quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thủy trong chuyến công tác tại Trường Sa, tháng 5.2021

NGỌC TRIỆU

Sáng 14.3.1988, phía Trung Quốc điều thêm 2 tàu pháo, cho đổ bộ khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma giật quốc kỳ Việt Nam; khi bị bộ đội ta ngăn cản, họ nổ súng làm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh. Các tàu vận tải HQ-604 (neo cạnh Gạc Ma), HQ-605 (neo Len Đao), HQ-505 (neo Cô Lin) bị bắn chìm, bắn cháy… Thiếu úy Trần Văn Phương được chôn cất tại đảo Sinh Tồn và đầu năm 1992 mới về nghĩa trang quê nhà. Khi ngã xuống, thiếu úy Trần Văn Phương chưa biết mình đã có con gái.

Sinh ngày 6.5.1988, cô bé Trần Thị Thủy được mẹ Mai Thị Hoa và bà ngoại Hồ Thị Ngọc chăm sóc. Năm 2006, Thủy học Trường Đại học Quảng Bình và tốt nghiệp năm 2009. Biết Thủy là con gái duy nhất của Anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Phương, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã chỉ đạo UBND H.Trường Sa tiếp nhận, phân công Thủy làm việc ở văn phòng huyện. Cuối năm 2010, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tuyển Trần Thị Thủy vào làm việc tại Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân). Hiện Thủy đã mang quân hàm thượng úy - quân nhân chuyên nghiệp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.