Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống, dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai sáng 17.9, nhiều thành viên Ban chỉ đạo bày tỏ lo ngại trước vấn đề nhiều người dân sau khi đến bệnh viện về bị nhiễm Covid-19.
Ông Võ Văn Chánh, Bí thư Thành ủy TP.Biên Hòa, cho biết thời gian gần đây, hơn 10 phường trên địa bàn xuất hiện các ca F0 từ bệnh viện về. Nhiều người sau khi đến bệnh viện về, vài ngày sau trở thành F0.
"Có bệnh thì phải đi khám, đến ngày thì phải đi sinh"
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng cần tăng cường công tác phòng, ngừa Covid-19 ở bệnh viện chứ không thể cấm người dân. “Có bệnh thì phải đi khám, đến ngày thì phải đi sinh", ông Dũng nói.
|
Tại cuộc họp, ông Võ Văn Chánh, thông tin trong ngày hôm qua (16.9), một công ty gỗ ở KCN Giang Điền (H.Trảng Bom) tự ý cho 276 công nhân trở về nhà, không phối hợp với địa phương khiến thành phố này phải căng mình kiểm tra, truy vết và đưa đi cách ly theo quy định.
Theo ông Chánh, địa phương đồng ý tiếp nhận công nhân ở những công ty không còn thực hiện "3 tại chỗ" nhưng phải đúng quy trình. Không để người lao động tự ý về tràn lan, rất khó kiểm soát và tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Ông Cao Tiến Dũng đề nghị TP.Biên Hòa xử lý thật nghiệm, rút kinh nghiệm và không để xảy ra tình trạng địa phương không phối hợp với doanh nghiệp giải phóng số công nhân không còn thực hiện "3 tại chỗ".
“Doanh nghiệp làm như vậy là rất khó cho địa phương, lỡ có trường hợp nào về mà dương tính sẽ áp lực cho các xã, phường. Ý thức của chủ doanh nghiệp như vậy là không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm”, ông Dũng cương quyết.
Chấp nhận sống chung an toàn nhưng không để bùng phát dịch
Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh chủ trương thích ứng an toàn với dịch Covid-19. "Chúng ta cần nỗ lực cho mục tiêu sống chung an toàn với Covid-19, chấp nhận trong cộng đồng còn một tỷ lệ người lây nhiễm Covid-19 nhưng trong giới hạn ngành y tế có thể chữa trị được. Sống chung an toàn với dịch bệnh không đồng nghĩa với việc để bùng phát dịch", ông Lĩnh nhấn mạnh.
|
Theo ông Lĩnh, nếu địa phương có xuất hiện F0 ở vùng xanh cũng không vì thế mà quá lo ngại. Cần bình tĩnh xử lý, xuất hiện chỗ nào thì xử lý dứt điểm chỗ đó một cách chủ động. “Trước giờ chúng ta sợ nên phong tỏa quá rộng, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Bây giờ phải thay đổi cách làm, gom nhỏ lại và đánh gọn từng ổ dịch. Hiện tại chúng ta mới thí điểm nới lỏng vùng xanh đến xã, phường nhưng sắp tới có thể suy nghĩ đến việc mở ra tới từng ấp, khu phố”, ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh cũng lưu ý Sở TT-TT Đồng Nai phải đầu tư cho các nền tảng công nghệ thông tin để áp dụng hiệu quả vào quản lý xã hội trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, chương trình an sinh xã hội vẫn phải tiếp tục làm tốt. Theo ông Lĩnh, dù dịch có hết nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài, phải hơn 1 năm sau mới có thể khắc phục được. "Đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, do vậy chính quyền cần nỗ lực liên tục, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân", ông Lĩnh lưu ý.
Đồng Nai chưa áp dụng thẻ vàng, thẻ xanh
Tại cuộc họp báo thông báo kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội từ 20.9, vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các PV. Theo ông Cao Tiến Dũng, hiện Đồng Nai đặt mục tiêu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 là tối thượng và Đồng Nai chưa áp dụng thẻ vàng, thẻ xanh như TP.HCM và một số địa phương khác trong khu vực.
"Chúng tôi khẳng định cho đến thời điểm này, trong các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Đồng Nai chưa đề cập đến việc áp dụng thẻ vàng hay thẻ xanh trong kiểm tra, kiểm soát và giám sát các hoạt động đi lại, sinh hoạt của người dân", ông Dũng nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)