Chiều 11.10, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản giao quyền cho doanh nghiệp (DN) tự quyết phương án sản xuất trong tình hình mới nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19. Có thể ngừng “3 tại chỗ” chuyển sang cho người lao động đi về hằng ngày hoặc kết hợp cả hai.
Công nhân thực hiện "3 tại chỗ" tại Công ty Daikan |
CTV |
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của đơn vị và tình hình dịch bệnh tại địa phương; DN chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, có 3 phương án cho DN lựa chọn đó là "3 tại chỗ", người lao động đi về hàng ngày, hoặc kết hợp cả 2 phương án trên. Về di chuyển, nếu nội tỉnh thì người lao động đi bằng xe cá nhân hoặc xe đưa rước, còn liên tỉnh thì phải đi bằng phương tiện đưa đón tập trung.
Ngoài ra, người lao động còn phải đáp ứng các điều kiện như đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày, hoặc đã chữa khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Từ 13.10 chạy lại xe khách liên tỉnh, khách 'vùng đỏ' phải tiêm đủ vắc xin |
Vẫn lo vì chỉ mới tiêm 1 mũi
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lương Ngọc Hồi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Great Kingdom Việt Nam (KCN Giang Điền, H.Trảng Bom), cho biết công ty cũng đã lên kế hoạch chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang đi về hàng ngày, chỉ đợi toàn bộ công nhân tiêm xong mũi 2 là đề xuất UBND tỉnh cho phép dừng "3 tại chỗ".
“Sau gần 3 tháng “3 tại chỗ”, các công nhân rất mong được quay về với gia đình, thăm con cái. Về phía công ty thì cũng đỡ đi một khoản chi phí lớn. Tuy nhiên phải đợi tiêm xong 2 mũi đã”, ông Hồi nói.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, toàn tỉnh đã hoàn thành việc tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi toàn tỉnh, hiện đang tiêm mũi 2 cho những người đến hạn. |
LÊ LÂM |
Tương tự, ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) bày tỏ vui mừng trước thông tin Đồng Nai cho DN ngừng “3 tại chỗ” nhưng bên cạnh đó vẫn còn một nỗi lo. “Hiện tại đa số công nhân của tôi chỉ mới tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19 nên nguy cơ nhiễm bệnh cũng như tử vong vẫn cao. Bây giờ cho đi về hằng ngày thì ai cũng vui mừng cả nhưng nếu lỡ lây lan dịch thì người lao động ảnh hưởng đến sức khỏe, còn DN thì thiệt hại về kinh tế do đơn hàng không giao kịp. Chừng nào các công nhân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì mới yên tâm được", ông Đoàn nói.
Văn bản của UBND Đồng Nai cũng nói rõ: trường hợp DN chấm dứt thực hiện “3 tại chỗ” và chuyển sang phương án cho người lao động đi về hàng ngày thì trước khi về địa phương, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian 3 ngày kể từ ngày lấy mẫu. Trường hợp nơi ở của người lao động thuộc vùng phong tỏa, cách ly y tế thì DN vẫn phải tiếp tục thực hiện phương án "3 tại chỗ" do người lao động khi đã trở về nơi cư trú sẽ không được quay lại làm việc.
Bình luận (0)