Đông Nam Á sắp đuổi kịp chính mình: Chỉ thể thao Việt Nam vẫn đang ngậm ngùi

05/08/2024 18:35 GMT+7

Tại Olympic Tokyo 2020 (thi đấu năm 2021), thể thao Đông Nam Á giành tổng cộng 3 HCV, 5 HCB và 7 HCĐ. Cho đến giờ, các đoàn thể thao trong khu vực sắp bắt kịp số lượng HCV ở kỳ Thế vận hội gần nhất.

Cụ thể, tại Olympic Tokyo 2020, Philippines giành được 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Họ đứng vị trí 50 toàn đoàn, cao nhất Đông Nam Á. Tiếp theo là Indonesia với 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ, hạng 55 chung cuộc. Thái Lan có 1 HCV, 1 HCĐ, hạng 59. Malaysia giành được 1 HCB và 2 HCĐ, hạng 74. Đó cũng là 4 đoàn thể thao thuộc Đông Nam Á có huy chương và được xếp hạng tại Olympic Tokyo 2020.

Đông Nam Á sắp đuổi kịp chính mình: Chỉ thể thao Việt Nam vẫn đang ngậm ngùi- Ảnh 1.

Philippines đã có 2 HCV tại Olympic Paris 2024, đều nhờ Carlos Yulo

REUTERS

Hiện tại, ở Paris 2024, cả 4 đoàn nói trên đều đã giành huy chương. Philippines đã vượt số HCV mà họ giành được ở kỳ Olympic gần nhất. Hiện tại, Philippines đã có 2 HCV, đều ở môn thể dục dụng cụ (TDDC) và đều thuộc về VĐV Carlos Yulo. 


Nhờ 2 HCV này, Philippines vọt lên đứng vị trí 21 (tính đến chiều 5.8), vị trí rất cao so với thứ hạng thường thấy của các đoàn thể thao Đông Nam Á. 

Thái Lan chưa có HCV nào, nhưng đã chắc chắn có ít nhất 1 HCB, do tay vợt Kunlavut Vitidsarn của họ đã lọt vào trận chung kết nội dung đơn nam cầu lông (diễn ra đêm nay, 5.8). Chỉ cần Thái Lan có thêm 1 HCV nữa, họ sẽ vượt thành tích của chính mình ở Olympic Tokyo 2020. 


Triển vọng HCV của đoàn thể thao xứ sở chùa vàng rất lớn. Ngoài Kunlavut Vitidsarn ở môn cầu lông, Thái Lan có thêm triển vọng giành HCV ở môn taekwondo, với võ sĩ Panipak Wongpattanakit ở hạng cân 49 kg nữ và võ sĩ Banlung Tubtimdang ở hạng cân 68 kg nam.


Với Indonesia, họ hầu như không còn khả năng giành HCV, do nội dung đôi nữ trong môn cầu lông (Greysia Polii và Apriyani Rahayu từng giành HCV cho Indonesia trong nội dung này) đã thay đổi rất nhiều so với 4 năm trước. Malaysia cũng vậy, họ chưa có HCB nào (thành tích Malaysia đã có tại Tokyo 2020), nhưng họ đã có 1 HCĐ nội dung đôi nam môn cầu lông và 1 tay vợt (Lee Zii Jia) lọt vào trận tranh HCĐ nội đơn nam môn cầu lông.


Đông Nam Á sắp đuổi kịp chính mình: Chỉ thể thao Việt Nam vẫn đang ngậm ngùi- Ảnh 2.

Kunlavut Vitidsarn đứng trước cơ hội giúp cầu lông Thái Lan có HCV ở Olympic Paris

REUTERS

Nhìn chung, cầu lông và các hạng cân nhẹ ở một số môn gồm quyền anh, taekwondo, cử tạ (hầu hết chưa thi đấu hoặc chưa tranh huy chương), tiếp tục là các môn mà Đông Nam Á khai thác huy chương. Dù vậy, các đoàn thể thao trong khu vực có thêm những mũi nhọn mới, ví dụ Philippines tạo ra cơn địa chấn ở môn TDDC, với 2 tấm HCV các nội dung thể dục trên sàn và nhảy chống của Carlos Yulo, hoặc Thái Lan mạnh lên ở nội dung golf nữ (Patty Tavatanakit của Thái Lan nằm trong nhóm có thể cạnh tranh huy chương).

Chưa hết, Thái Lan giờ bỗng trở nên rất mạnh ở môn cầu lông. Đây không phải là thế mạnh của thể thao xứ sở chùa vàng tại các kỳ Olympic trước, nhưng đột nhiên họ có cơ hội tranh HCV tại Olympic Paris 2024, sau khi Kunlavut Vitisarn vụt sáng trở thành tay vợt hàng đầu thế giới. Điều đó cho thấy một số quốc gia ở Đông Nam Á đang phát triển thể thao theo hướng đa dạng hơn, nhưng vẫn giữ được phương châm là tấn công thẳng vào đấu trường Olympic.

Tất nhiên, trong bối cảnh chung nói trên, thể thao Việt Nam là đang buồn vì mãi vẫn chưa thể có huy chương ở Olympic năm nay. Và cũng đang trước nguy cơ trắng tay!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.