Dòng tiền bất động sản chảy đi đâu khi có dịch Covid-19?

Lê Quân
Lê Quân
25/11/2020 18:29 GMT+7

Tại buổi toạ đàm Đầu tư bất động sản hậu Covid-19 : Dẫn dắt dòng tiền, do Tạp chí kinh tế Theleader tổ chức ngày 25.11, nhiều chuyên gia đã tập trung lý giải dòng tiền chảy đi đâu khi có dịch bệnh Covid -19.

Nhà đầu tư F0

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Công ty CP bất động sản BHS (Công ty BHS), cho biết thị trường bất động sản trước khi có dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều khó khăn, nhất là về nguồn cung mới. Nguồn cung sụt giảm mạnh nhất là ở 2 thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM. Khi nguồn cung bất động sản giảm, nhà đầu tư cũng dần dịch chuyển dòng tiền vốn sang đầu tư theo hướng khác.
Dịch bệnh Covid-19 lây lan tác động sâu rộng đến nhiều ngành kinh tế. Dòng tiền của nhà đầu tư khi có dịch không biết chuyển đi đâu để bảo toàn nguồn vốn, cuối cùng lại đổ vào bất động sản.
“Trong khi nguồn cung cho thị trường bất động sản eo hẹp thì nguồn cầu vẫn đa dạng các mục tiêu: mua để ở, mua đầu tư, mua để giữ tiền… Khi dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế "thấm mệt", nhiều người kinh doanh ở các lĩnh vực khác để bảo toàn vốn đã dồn vốn vào mua đất nền. Việc dịch chuyển dòng tiền này khiến giá đất nền tăng, có thể thấy rõ nhất là giá đất vùng ven các thành phố lớn trong thời gian qua”, ông Tuyển cho biết.
Lý giải việc nhà đầu tư tìm nơi trú ngụ an toàn cho dòng tiền trong bất động sản đất nền, ông Tuyển nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng trong khoảng 5 năm qua có nhiều biến động mạnh, trồi sụt nhiều, gần đây thì trầm lắng hẳn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản phẩm nhà dự án thì nguồn cung ít, giá đẩy cao. Còn bất động sản công nghiệp thường cần nguồn vốn lớn, do đó, số đông nhà đầu tư tìm đến đất nền vùng ven các đô thị lớn. Trong phân tích thị trường, thường gọi là xu hướng nhà đầu tư F0.
Chủ tịch Công ty BHS cũng cho rằng, đối với người Việt, trong điều kiện phát triển bình thường và cả khi có dịch bệnh Covid-19 thì dòng tiền đổ về kênh đầu tư cuối luôn là bất động sản. Do vậy, xu hướng tăng giá bất động sản là tất yếu, dễ hiểu.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi Invest, cho biết khi có dịch bệnh Covid-19, xu hướng người dân lên vùng ven phía tây Hà Nội như Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội) và Hòa Bình… càng bộc lộ rõ rệt. Mục tiêu "săn" đất phía tây Hà Nội đa dạng nhưng chủ yếu là để đầu cơ; tạo lập ngôi nhà thứ 2 cho gia đình nghỉ dưỡng; đầu tư xây dựng để vận hành homestay.
“Khi trung tâm Hà Nội trở nên chật chội hơn, nhận thức của giới có tiền nâng lên, để có không gian, phong trào mua đất ở ngoại thành Hà Nội nở rộ từ gần 20 năm qua, có thể nói là đã ăn vào tiềm thức của nhiều người. Năm 2017, đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được thông xe; cùng với việc lòng hồ thủy điện Hòa Bình được Chính phủ cho quy hoạch triển khai thêm du lịch dịch vụ thì làn sóng mua đất lập nơi nghỉ dưỡng ở Hòa Bình càng rõ rệt hơn. Đến khi có dịch bệnh Covid-19 thì thị trường bất động sản Hòa Bình trỗi dậy mạnh mẽ vì dòng tiền dồn về, nhiều doanh nghiệp lớn cũng công bố đầu tư”, ông Trung nhận định.
Ông Trung cũng cho rằng, khi có dịch bệnh Covid-19, hành vi đi du lịch của nhiều người cũng thay đổi, thay vì đi chuyến dài ngày, di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa thì chọn đi ngắn ngày, bằng phương tiện cá nhân, địa điểm gần Hà Nội. Với khoảng 8 triệu dân ở Hà Nội thì thị trường du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nghỉ dưỡng ở vùng ven còn nhiều cơ hội thu hút dòng tiền trong thời gian tới.

Làm sao hút dòng tiền vào bất động sản?

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty SohoVietNam, cho biết về dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục mạnh mẽ dù trước mắt bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện tượng bán lại khách sạn ở Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM, Đà Nẵng… thời gian qua là có nhưng mức giảm giá bán không lớn, ít khi lên đến 25 - 30% giá trị so với trước dịch. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn vẫn đang cố gắng cầm cự cho qua giai đoạn dịch bệnh, trong điều kiện lãi suất dòng vốn thấp như hiện nay thì nhiều người vẫn có thể trụ được. Mặt khác, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khó khăn cũng tạo ra cơ hội cho nhiều người khác, không hẳn là tiêu cực toàn bộ.
Theo ông Cần, thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ có sự điều chỉnh. Bất động sản đang khó khăn nhưng vẫn là ngành kinh tế có tính chất lan tỏa sang các ngành khác, dần trở thành nên một ngành sản xuất trong nền kinh tế. Hiện nay, bất động sản không phải là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận như trước nhưng vẫn hút vốn rất mạnh vì nhu cầu mua bán lớn, giá sản phẩm tăng.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ, cho rằng với xu hướng công nghệ thay đổi, những dự án đẩy mạnh áp dụng công nghệ cũng tạo ra được ưu thế thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Các yếu tố về vị trí, tiện ích, kiến trúc, pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín… rất quan trọng nhưng nếu có thêm công nghệ trong ngôi nhà sẽ thu hút khách hàng tốt hơn.
Ông Trương Xuân Quý, Tổng giám đốc Flamingo Land, chia sẻ kinh nghiệm với bất động sản nghỉ dưỡng thì không nên cam kết lợi nhuận mà cần xây dựng, quản lý chính sách giá, dịch vụ... làm sao đáp ứng được thị hiếu của khách. Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh xu hướng cá nhân hóa các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng bán ra cho từng đối tượng khách hàng, tạo ra sự hài lòng nhất có thể.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thì cho rằng để hút dòng tiền vào bất động sản, trước hết thị trường phải có nhiều sản phẩm. Mà muốn có nhiều sản phẩm thì nguồn cung các dự án phải tăng lên, nhất là ở những thị trường chính mang tính dẫn dắt như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… phải có thêm dự án mới.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia bất động sản, lãnh đạo doanh nghiệp tại tọa đàm cũng đồng tình quan điểm bất động sản công nghiệp vẫn là hướng thu hút vốn vào mạnh. Bởi ưu thế của loại hình bất động sản công nghiệp là đầu tư thu hồi vốn nhanh, chi phí quản lý không lớn, nhu cầu cao… Thời gian tới, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này, do hạ tầng được đầu tư mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.