Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An trong tình trạng đau rát nhiều. Qua thăm khám sơ bộ ghi nhận người bệnh bị bỏng cấp độ II-III, với diện tích bỏng khoảng 15%, bao gồm các vùng quan trọng như ngực, bụng, lưng và cánh tay phải. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành sơ cứu tại chỗ, giảm đau mạnh, dùng kháng sinh, và đặc biệt là áp dụng các biện pháp dự phòng sốc do bỏng.
Ngày 22.9, bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An) cho biết sau khi sơ cứu, người bệnh được chăm sóc tích cực, tiếp tục sử dụng kháng sinh, giảm đau, thay băng chăm sóc vết bỏng mỗi ngày, bù dịch, theo dõi cân bằng xuất nhập, tính toán lượng nước mất qua vết bỏng. Toàn bộ nhân viên y tế và người nhà ra vào đều tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, duy trì không gian sạch sẽ nhằm phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.
Nhờ sự chăm sóc tích cực của các nhân viên y tế, tình trạng vết thương của người bệnh đã hồi phục rất tốt, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Bảo Trung cho biết, bỏng xăng nguy hiểm hơn nhiều so với các loại bỏng thông thường như bỏng dầu ăn hay bỏng nước sôi, vì xăng khi cháy có nhiệt độ rất cao, làm tổn thương sâu đến lớp da, cơ và thậm chí là xương. Quá trình chữa lành vết bỏng xăng thường kéo dài hơn, nhất là nếu không được sơ cứu và điều trị đúng cách.
"Những vết bỏng trên diện rộng do xăng có nguy cơ dẫn đến hoại tử mô, bỏng sâu và co rút bề mặt da, gây biến dạng và để lại sẹo nghiêm trọng. Đặc biệt nguy hiểm là vết thương bị nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng máu, làm tổn thương thận và dẫn đến suy đa tạng, đe dọa đến tính mạng người bệnh", bác sĩ Trung cho hay.
Cẩn thận khi sử dụng các chất có thể gây cháy
Bác sĩ Trung khuyến cáo đến người dân cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng các chất có thể gây ra cháy nổ như xăng, dầu hỏa, cồn... Nếu không may bị bỏng, dùng nước sạch xối rửa (hoặc ngâm mình trong chậu/lu nước) thật nhiều để làm hạn chế tổn thương lan rộng, sau đó đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không tự chữa trị bằng các phương pháp dân gian như bôi kem đánh răng, hay đổ nước mắm vào vết bỏng sẽ không đảm bảo được vô trùng, không có tác dụng kháng khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng là rất cao. Khi đó, việc điều trị sẽ càng phức tạp và nguy hiểm hơn.
.
Bình luận (0)