'Dự án địa ốc' trên đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt?

17/08/2020 06:25 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng các phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng đang được trưng bày tại nhà triển lãm khu Hòa Bình (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) chưa nghĩ đến lợi ích cộng đồng.

Như Thanh Niên đã phản ánh, từ ngày 14.8 - 14.9, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt) trước khi thực hiện. Diện tích khu đất đã được phê duyệt là 16.904 m2, số tầng xây dựng là 10, chiều cao công trình tối đa 55 m. Theo đó, phương án 1 đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao 28 m so với hiện nay; phương án 2 giữ nguyên Dinh tỉnh trưởng, bao quanh là khối nhà hiện đại hình chữ U cao 10 tầng, bên trên là bể bơi...; còn phương án 3 cũng để Dinh tỉnh trưởng “yên vị” nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung.

Thất vọng với cả 3 phương án

Kiến trúc sư (KTS) Đặng Phan Lạc Việt (TP.HCM) nhận định: “Cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng đang được trưng bày đều thể hiện “ý chí của nhà đầu tư” biến khu vực đồi Dinh thành cụm khách sạn đồ sộ, bất chấp những góp ý trước đây. Tôi thất vọng khi xem qua 3 phương án kiến trúc này”. KTS Việt cho rằng một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại giữa trung tâm Đà Lạt sẽ biến mất khi một trong ba phương án này được thực hiện. Tỉnh Lâm Đồng và TP.Đà Lạt cần phải bảo vệ những không gian xanh là lá phổi của phố núi, phải bảo vệ kiến trúc di sản độc đáo của Đà Lạt.
Trong khi đó, theo KTS Trần Công Hòa (Hội KTS tỉnh Lâm Đồng), trước khi trưng bày 3 phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng để lấy ý kiến rộng rãi, Sở Xây dựng có đưa ra 7 - 8 phương án để tham khảo ý kiến của Hội KTS tỉnh. “Với tôi, trong 3 phương án đang được trưng bày thì phương án 3 khả dĩ hơn; 2 phương án còn lại nếu thực hiện thì gần như phải “xóa sổ” những gì đang có tại khu vực này. Phương án nào, ý tưởng nào cũng cần phải đáp ứng được mong muốn của người dân Đà Lạt, phải gìn giữ tối đa những mảng xanh, phải nghĩ đến lợi ích của cộng đồng trước hết”, KTS Hòa nhấn mạnh. KTS Lê Tứ, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, nói thêm: “Việc xây dựng ở khu vực trung tâm rất nhạy cảm, nhà đầu tư cần có sự tương hợp hài hòa giữa lợi ích của mình và lợi ích cộng đồng”.
'Dự án địa ốc' trên đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt ?1

Người dân TP.Đà Lạt xem các phương án kiến trúc được trưng bày

Quy hoạch dự án địa ốc chứ không phải bảo tồn

Trao đổi với Thanh Niên, KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch) nói ngay: “Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng rồi: khu Hòa Bình là phải làm quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang chứ không phải là quy hoạch dự án địa ốc. Tức là cơ bản cần phải thu hồi quyết định phê duyệt quy hoạch đó (quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình) rồi làm lại quy hoạch bảo tồn, dựa trên đó mới làm phương án kiến trúc. Cần phải thu hồi quy hoạch cũ, vì quy hoạch đó là quy hoạch dự án địa ốc, hoàn toàn không phải quy hoạch bảo tồn”.

Với một khu đô thị lịch sử, không ai bảo tồn theo kiểu cứ chen công trình cao tầng vào lấn át một cách thô bạo vậy. Một quy hoạch bảo tồn nghiêm túc không bao giờ cho phép chặt cây và xây nhà cao 10 tầng trên đó

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch không sửa thì dự án này vẫn nhắm đến lợi ích đầu tư địa ốc mà bỏ qua giá trị di sản. KTS Nam Sơn giải thích thêm: “Với khu Hòa Bình thì cần quy hoạch chỉnh trang di sản để cho đẹp hơn, tốt hơn và biến nó thành điểm đến hấp dẫn như những khu đô thị lịch sử của các nước khác. Cái gốc vấn đề là bản quy hoạch đó, quy hoạch chưa sửa thì kiến trúc làm gì cũng sai, vì quy hoạch này thể hiện một cách ứng xử đối với di sản quy hoạch kiến trúc, chỗ nào bảo tồn, chỗ nào chỉnh trang cần phải có sự cân nhắc. Còn ở đây người ta làm một đằng nhưng nói một nẻo, hoàn toàn là dự án địa ốc mà người ta cứ nói là bảo tồn. Tôi chẳng thấy bảo tồn chỗ nào hết”.
“Bảo tồn là cả một khu vực chứ không phải giữ lại 1 - 2 cái nhà là bảo tồn, hay là mình giữ lại một cái nhà rồi bao quanh bằng công trình hiện đại rồi áp chế nó là bảo tồn. Không có nước nào làm bảo tồn kiểu đó hết. Với một khu đô thị lịch sử, không ai bảo tồn theo kiểu cứ chen công trình cao tầng vào lấn át một cách thô bạo vậy. Một quy hoạch bảo tồn nghiêm túc không bao giờ cho phép chặt cây và xây nhà cao 10 tầng trên đó. Nếu làm đúng quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang nhất định sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho Đà Lạt rất lớn và người dân Đà Lạt hưởng lợi nhiều hơn, chứ còn như cái này thì sẽ làm giàu cho nhà đầu tư thôi”, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.