Dù có dẫm vào chân nhau, xô vào nhau vẫn nhảy hết mình

07/04/2021 16:10 GMT+7

Đó là chia sẻ của những người khiếm thị tại cuộc thi Bước nhảy xóa mọi khoảng cách - Passion Asembly of Step and Sway (PASS), dành cho người khiếm thị, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Hướng tới ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17.4.1969 - 17.4.2021) và Ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam (18.4), cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” vừa được Hội Người mù TP.Hà Nội, Hội Người mù Q.Đống Đa (Hà Nội) và CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SOLAR) phối hợp tổ chức.

Chiến thắng bản thân

Cuộc thi có sự tham gia của gần 40 người khiếm thị với 20 tiết mục. Họ đều là những vận động viên có niềm yêu thích với bộ môn này. Đến với cuộc thi, họ đã tháo bỏ sự mặc cảm, tự ti để đứng trên sân khấu thể hiện đam mê, khả năng của bản thân.
Họ thực sự tỏa sáng trên khấu với nụ cười tự tin và tinh thần của người chiến thắng.

Người khiếm thị "cháy" hết mình trong các điệu nhảy

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Những vận động viên khiếm thị đã tập luyện chăm chỉ, quyết tâm với mong muốn mang đến màn trình diễn đặc sắc, qua những điệu nhảy điêu luyện, đầy nghệ thuật.
Bạn Trần Hoàng Anh (18 tuổi) đến từ CLB Khiêu vũ Q.Đống Đa, hào hứng chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên được tham gia chương trình lớn như thế này. Em không thể nhìn thấy nên lúc đầu tay chân còn lóng ngóng, nhưng khi được tập luyện, nhảy quen rồi em cảm thấy khiêu vũ rất dễ và thú vị”.

Người khiếm thị khiêu vũ cùng vận động viên

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Chị Chu Thị Thu Hà đang làm việc tại Hội Người mù T.P Hà Nội, tham gia biểu diễn 4 nội dung thuộc thể loại la tinh và đường phố. Chị chia sẻ: “Mình cảm thấy rất vui vì không nghĩ một ngày nào đó lại có thể đứng trên sân khấu để biểu diễn những tiết mục khó như vậy. Nên mình và các bạn đã nhảy hết mình, dù có dẫm vào chân nhau, xô vào nhau vẫn nhảy tiếp để hoàn thành trọn vẹn phần thi”.
Ông Phan Văn Chức, trọng tài quốc gia, thành viên ban giám khảo cuộc thi, chia sẻ: “Thực ra, khiêu vũ thể thao với những người bình thường đã rất khó rồi, đối với người khiếm thị lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Khiêu vũ thể thao có 10 vũ điệu chia thành 2 dòng, thì các bạn khiếm thị thể hiện đủ 10 điệu từ Rumba, Chachacha, Samba, Jive, Pasodoble, Tango… Đó là thành công quá lớn của các vận động viên. Họ đã thực sự vượt qua chính mình”.

Nụ cười rạng rỡ luôn hiện hữu trên gương mặt của người khiếm thị

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Cầu nối dành cho người khiếm thị

Phát biểu tại cuộc thi, ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP.Hà Nội, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: “Đây là lần đầu tiên một cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị được tổ chức ở Việt Nam nhằm mang đến sân chơi bổ ích, tạo cầu nối giao lưu, gắn kết giữa những người khiếm thị. Tuy bước nhảy còn chưa uyển chuyển, chưa nhuần nhuyễn nhưng đã thể sự cố gắng, nỗ lực rèn luyện và ý chí vươn lên của những người khiếm thị”.

Ông Lê Trung Quyết phát biểu tại cuộc thi

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Theo bà Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù Q.Đống Đa, Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội, thời gian qua, bộ môn khiêu vũ thể thao (dance sport) đã dần đi vào đời sống tinh thần của người khiếm thị Hà Nội. Rất nhiều vận động viên khiếm thị đã nỗ lực mang về nhiều giải thưởng trong các giải khiêu vũ chuyên nghiệp như: Hanoi Open 2019, giải CLB Minh Anh 2019, giải Hanoi Star 2020…
“Chính những bước nhảy từ bộ môn khiêu vũ đã mang tới cộng đồng một hình ảnh mới về người khiếm thị: đẹp hơn, khỏe khoắn hơn, luôn tràn đầy nghị lực sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách và vượt qua bản thân để hoàn thiện mình. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng: có một tâm hồn đẹp, khát vọng lớn và một niềm tin sắt đá, thành công sẽ luôn ở bên”, bà Hà chia sẻ. 
Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã trao 20 bộ huy chương vàng, bạc, đồng và giấy chứng nhận cho các vận động viên với tổng giá trị giải thưởng 20 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.