Tọa đàm được xây dựng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương và có sự góp mặt của các đại diện cấp cao từ Bộ Công thương, Đại sứ quán Úc và Tổng lãnh sự quán Úc, Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham), các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và phía chuyên gia tư vấn.
Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM Sarah Hooper cho hay đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cập nhật thông tin mới nhất về FTA cũng như những tác động xuất nhập khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua buổi tọa đàm, bà kỳ vọng các doanh nghiệp tìm hiểu và nắm bắt những nguồn lực thiết thực để tận dụng hiệu quả các FTA theo hướng mở rộng cơ hội đầu tư và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Đồng thời, các bên có dịp chia sẻ kinh nghiệm và thách thức trong quá trình thực thi thương mại song phương, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và chính phủ hai nước, và nhất là tiếp cận được những đánh giá của các chuyên gia tư vấn để tìm cơ hội kết nối thị trường giữa hai nước.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công thương, cung cấp số liệu cho thấy Úc vào năm 2022 đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thứ 10 của Úc.
Ở phần chia sẻ về đàm phán và thực thi FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công thương, cho biết hiện có 15 FTA Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. Trong số này, có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Việt Nam và Úc hiện là thành viên chung của ít nhất 3 FTA, đồng thời hai nước đang triển khai thành công Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Úc (EEES).
Tuy nhiên, ông Khanh chỉ ra một nghịch lý là đầu tư từ Việt Nam sang Úc không tăng dù có sẵn những công cụ bắc cầu như FTA. Theo ông, điều này do các yếu tố về kỹ thuật trong cam kết rất khó thực hiện và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm rõ thông tin chi tiết về FTA để tiếp cận cơ hội mới.
Các đại diện Bộ Công thương tại buổi tọa đàm phân tích rằng vẫn còn nhiều dư địa để song phương gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường lẫn nhau.
Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác những lợi ích đến từ FTA để cân bằng lại cán cân thương mại hiện nghiêng về phía Úc, để tránh ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp để đưa đầu tư song phương xứng tầm hơn với lĩnh vực thương mại.
Bình luận (0)