Du lịch hè bắt đầu tăng nhiệt

28/06/2024 06:21 GMT+7

Cùng với sự "chia lửa" của tàu hỏa, đường bộ bên cạnh hàng không, du lịch hè đang bước vào mùa cao điểm với sự lên ngôi của nhiều xu hướng mới, trải nghiệm mới.

Đi chơi xa thì đắt đỏ, đi gần thì hết chỗ ở

Lên kế hoạch đi Quảng Ninh du lịch hè vào ngày 5.7 nhưng đến ngày 24.6, chị Thanh Thủy (Hà Nội) mới tìm chỗ ở thì tá hỏa vì tất cả các khách sạn quen đều đã báo hết sạch phòng nguyên tháng 7.

Du lịch hè bắt đầu tăng nhiệt- Ảnh 1.

Các bãi biển vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các gia đình khi vào hè

THẾ QUANG

Chị mở rộng mạng lưới tìm kiếm trên các kênh booking.com, agoda…, các khách sạn trên 3 sao, phù hợp với nhu cầu cũng "full" phòng. Khu trung tâm tìm phòng không xong, chị Thanh Thủy chuyển hướng về Quan Lạn (thuộc vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh) với hy vọng hòn đảo chưa quá nổi tiếng này sẽ còn nhiều chỗ nghỉ. Thế nhưng toàn bộ hệ thống homestay, khách sạn, resort gần Quan Lạn cũng đều đã kín khách, không còn phòng trống đến giữa tháng 8. Chỉ còn 1 khách sạn cao cấp còn số lượng ít phòng nhưng giá khá cao, gần 6 triệu đồng/đêm. Cuối cùng, nhóm chị Thanh Thủy đành chuyển hướng đi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhưng cũng đang phân vân chọn khách sạn vì số lượng phòng ưng ý không còn nhiều.

"Trước đó, tôi đọc báo thấy nói vé máy bay ế nên lên xem thử thì thấy giá vẫn cao. Chặng Hà Nội - Nha Trang đặt trước 10 ngày mà rẻ nhất vẫn 4,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Nhóm 3 nhà, 12 người đi, tính ra cả 55 triệu đồng tiền vé máy bay. Thôi tự lái xe đi chỗ nào gần trước, còn Nha Trang thì canh mua vé rẻ tháng 10 đi sau. Ai ngờ nhiều người cũng nghĩ như mình, nên mấy điểm vui chơi gần gần đây đều kín phòng khách sạn", chị Thanh Thủy thở dài.

Câu chuyện nhà chị Thanh Thủy cũng trùng với xu hướng du lịch nội địa mùa hè này, ghi nhận qua các công ty lữ hành.

Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt, cho biết tỷ lệ đi tour nội địa chiếm hơn 40% nằm ở các tuyến đi biển không quá xa các TP lớn. Như từ đầu TP.HCM đi Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Ninh Thuận, Quy Nhơn (Bình Định)...; từ đầu Hà Nội là Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh)… Kế đến mới tới các điểm du lịch "truyền thống" như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang, Tây nguyên…

Do ảnh hưởng của dịch vụ đầu vào như giá vé máy bay tăng cao, sức chi tiêu của du khách giảm nên lượng khách từ các tỉnh phía bắc giảm so với kỳ vọng. Đặc biệt, các tuyến xa phải di chuyển bằng máy bay như đi Phú Quốc, Nha Trang… giảm tới 50%. Bên cạnh đó, xu hướng du khách từ phía bắc sử dụng tàu hỏa làm phương tiện chính đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình tăng gần 30% so cùng kỳ. Các tuyến gần như Sa Pa, Mộc Châu, Hạ Long, Thanh Hóa chiếm tỷ lệ đăng ký rất cao, khiến dịch vụ không còn. Nhiều đoàn khách đã lựa chọn khởi hành vào ngày đầu tuần để tránh cao điểm đông người và để có giá dịch vụ rẻ hơn những ngày cuối tuần.

"Năm nay, nhóm khách gia đình đặt các dịch vụ du lịch nội địa riêng như khách sạn, xe… tăng lên nhiều do sự phát triển của công nghệ… Ngoài ra, nhu cầu sử dụng phương tiện tàu hỏa tăng đáng kể trong hè 2024, đặc biệt là từ nhóm du khách trẻ và gia đình. Những điểm đến như Ninh Chữ (Ninh Thuận), Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng… và từ Hà Nội là đến Quảng Bình, Sa Pa... đều ghi nhận nhu cầu khách đặt tour khá lớn, tăng 40% so với năm trước", ông Phạm Anh Vũ thông tin.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông, Công ty CP Lữ hành Vietluxtour, cũng đánh giá từ đầu năm 2024, lượng khách du lịch bằng phương tiện ô tô có xu hướng tăng nhẹ, có thể một phần ảnh hưởng từ giá vé máy bay. Các điểm đến gần TP.HCM như Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang..., ghi nhận trước các quán ăn, khách sạn, ô tô gia đình đỗ rất nhiều. Tuy nhiên, điều kiện di chuyển và điểm đến vẫn rất quan trọng, đặc biệt với những khách có hạn chế về thời gian hoặc sức khỏe như nhân viên văn phòng, gia đình có trẻ em, người già…

Các đối tượng khách này vẫn ưu tiên chọn phương tiện máy bay cho các hành trình di chuyển chính trong tour. Vì thế, tỷ lệ giữa lượng khách du lịch bằng ô tô và máy bay không có sự chênh lệch quá lớn so với năm 2023. "Có thể do nhu cầu khách đa dạng hơn cả về điểm đến và phương tiện di chuyển, không còn chỉ dồn vào một vài thủ phủ du lịch hoặc tất cả chọn đi máy bay nên có cảm tưởng mùa du lịch hè hạ nhiệt. Song, thực tế nhu cầu đi du lịch hè của mọi người vẫn rất lớn", bà Trần Thị Bảo Thu nhìn nhận.

Không có chuyện vé máy bay "ế"

Trước đó, thống kê của Cục Hàng không cho thấy lượng vé đã đặt trên các chuyến bay trong nước giai đoạn cao điểm hè (từ 15.6 - 15.7) ở mức trung bình thấp. Tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến các địa phương chỉ đạt khoảng trên 50% ngay trong dịp cuối tuần; với các ngày xa hơn, tỷ lệ này còn rất thấp, ở mức từ 20 - 40%. Trên các đường bay theo chiều từ các địa phương đến Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ đặt chỗ cũng ghi nhận diễn biến không khác biệt, trung bình đạt mức trên 60% trong các ngày cận kề và 20 - 40% trong các ngày xa hơn.

Du lịch hè bắt đầu tăng nhiệt- Ảnh 2.

Du lịch hè đã bước vào giai đoạn sôi động

AV

Tỷ lệ đặt chỗ yếu khiến nhiều người cho rằng giá vé máy bay quá cao nên "ế" khách. Tuy nhiên, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines khẳng định tốc độ bán vé máy bay giai đoạn cao điểm hè đang rất tốt, không có chuyện ế. Thống kê của Cục Hàng không có từ cách đây hơn 10 ngày, trong khi thói quen đặt vé nội địa của khách thường vào sát ngày, trước thời điểm khởi hành 4 - 5 ngày. Nghĩa là khách xem trước 7 - 10 ngày thì có thể còn nhiều chỗ nhưng chỉ vài ngày sau, chuyến bay đã lấp đầy hoặc còn rất ít chỗ. Nhìn chung, các chuyến bay nội địa cao điểm hè của Vietnam Airlines có hệ số lấp đầy cao, duy trì từ 83 - 84% trung bình toàn mạng bay. Các ngày cuối tuần, tỷ lệ này lên đến 90%. Một số chặng "hot" nhất như Đà Nẵng - Đà Lạt đạt tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay giai đoạn từ 1.6 - 24.6 là 97%; chặng TP.HCM - Đà Lạt là 92%, bằng chặng TP.HCM - Thanh Hóa; tỷ lệ này ở chặng TP.HCM - Cam Ranh, Hà Nội - Đà Lạt, Hà Nội - Huế, TP.HCM - Huế cũng đều dao động từ 80 - 90%.

"Hiện tải cung ứng bao nhiêu, các hãng đã bung ra hết. Vietnam Airlines cũng đang chuẩn bị đón thêm máy bay về tăng cường phục vụ hành khách. Về cơ bản, lượng máy bay của các hãng vẫn đang thiếu so với nhu cầu cao điểm hè", đại diện Vietnam Airlines thông tin.

Phía Bamboo Airways cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy chỗ đạt trên dưới 90% trên tất cả các đường bay nội địa. Tối 25.6, hãng cũng vừa đón chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu RP-C9799 chính thức gia nhập đội bay Bamboo Airways để tăng tải cao điểm hè. Đây là máy bay thuê ướt thứ 3 mà hãng đã nhận từ đầu năm đến nay trong nỗ lực tăng nguồn cung cho thị trường hàng không nội địa. Với sự tham gia khai thác của máy bay mới, Bamboo Airways dự kiến tăng tải tập trung vào các đường bay du lịch đang có nhu cầu cao như các đường bay kết nối với Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn…

Tính sơ qua, tổng thị trường hàng không VN hiện thiếu 50 - 70 máy bay. Một tàu bay khai thác 6 chuyến, tương đương thiếu 300 chuyến bay/ngày, nhân với trung bình 150 chỗ/tàu thì tải cung ứng năm nay sụt giảm khoảng 45.000 ghế so với năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế các phương tiện khác như tàu hỏa, đường bộ, tàu thủy cũng đang chia lửa khá tốt cho hàng không. Do đó, sẽ rất khó để nhận định vé máy bay ế hay đắt hàng.

Đại diện Bamboo Airways

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.