Cảnh chen chúc xếp hàng hơn 1 tiếng mới xong thủ tục soi chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất mấy ngày qua là phép thử đáng giá, mang tính cảnh báo trước khi thị trường hàng không - du lịch bùng nổ trở lại dịp cao điểm hè sắp tới, cũng như việc nối lại một số đường bay quốc tế thường lệ.
Chưa kịp phục hồi đã tắc
Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ 4 giờ 15 để làm thủ tục cho chuyến bay lúc 5 giờ 30 đi Rạch Giá (Kiên Giang) cuối tuần trước, Khánh Linh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khá ngạc nhiên vì từ sáng sớm đã có rất đông hành khách tại đây. Tuy chưa tới mức ùn tắc nhưng tài xế taxi chở Linh cũng phải khá chật vật để tìm được chỗ dừng xe thả khách. Vội nhắn tin giục bạn tới nhanh vì sợ xếp hàng lâu, muộn giờ, Linh cũng tranh thủ khai báo y tế online trên điện thoại để tiết kiệm thời gian. “Trước đó 1 tuần, 2 cô bạn mình cũng chỉ vì chủ quan, tưởng mùa dịch sân bay vắng nên đi sát giờ, không kịp check-in và trễ chuyến bay đi Phú Yên, phải bỏ vé đi xe khách. Chắc sắp tới lễ 30.4 - 1.5 còn đông kinh khủng hơn nữa”, Linh kể.
|
|
Quả thật, không ít người phải giật mình và ngao ngán khi nhìn cảnh tắc nghẽn khu vực soi chiếu ở sân bay Tân Sơn Nhất trong vài ngày qua. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lý giải, có 2 lý do khiến thời gian làm thủ tục lâu hơn là lượng khách trong vài ngày nay tăng cao hơn so với thời điểm ra tết và do yêu cầu khai báo y tế dẫn tới kéo dài thời gian. Nhưng thực tế, hầu hết hành khách đi máy bay làm thủ tục check-in online đã được khuyến cáo khai báo y tế trực tuyến. Các hãng hàng không đã cắt cử nhân viên kiểm tra tờ khai y tế của hành khách ngay phía lối lên khu vực soi chiếu của sân bay, số người chưa hoàn thành “lọt” vào khâu soi chiếu chỉ rất ít.
Không chỉ Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài (Hà Nội) cũng ghi nhận lượng khách tăng mạnh so với tháng trước. Theo ông Tô Tử Hà, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, khách đi từ sân bay Nội Bài đang tăng nhanh trở lại so với thời điểm ra tết, đặc biệt đông vào cuối tuần. Song theo ông Hà, lượng khách tăng chủ yếu do nhu cầu du lịch tăng cao, nhưng chưa phải tăng đột biến.
Tuy hàng không và du lịch đã dần ấm lên sau đợt dịch Covid-19 bùng phát đợt Tết Nguyên đán nhưng cũng không hề ghi nhận khách tăng đột biến hay ồ ạt, càng không thể đạt tới số lượng như giai đoạn khai thác bình thường trước dịch. Khảo sát tại một số doanh nghiệp (DN) lữ hành tại TP.HCM cho thấy số lượng khách đăng ký đi tour tuy có tăng lên nhưng xu hướng du lịch của khách sau dịch không còn tập trung vào các tour xa bằng máy bay như trước. Với các điểm đến gần TP.HCM như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, Tà Nùng... khách có nhu cầu di chuyển bằng ô tô cá nhân, thuê xe di chuyển theo từng đoàn, nhóm nhỏ. Thậm chí, một số khách sạn ở Phú Yên, Quy Nhơn còn đang tính tới chuyện tăng chỗ để xe cho khách.
Du lịch lo lắng
Đại diện Hãng hàng không Vietjet cho hay các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế… đã giúp khách hàng, người dân an tâm và dần trở lại với các hoạt động di chuyển, du lịch. Theo thống kê, lượng hành khách trong thời gian qua đã tăng 20 - 30% so với trước đó.
Đáng nói, trong khi Tân Sơn Nhất - sân bay sôi động nhất cả nước ùn tắc nghiêm trọng ngay trong thời gian dịch còn diễn biến phức tạp, thì các DN du lịch, DN hàng không lại đang ra sức tìm mọi cách kích cầu cao điểm lễ 30.4 - 1.5 và mùa hè tới. Vietnam Airlines Group thông báo sẽ cung ứng gần 500.000 chỗ, tương ứng xấp xỉ 2.600 chuyến bay nội địa trong 6 ngày từ 28.4 - 3.5 để phục vụ người dân đi chơi lễ. Bamboo Airways dự kiến tiếp tục tăng bình quân 12 - 15% tải cung ứng trên các đường bay trục, đường bay du lịch trong giai đoạn nghỉ lễ. Vietjet cũng vừa mở thêm 5 đường bay Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Lạt và Vinh đi Phú Quốc - điểm đến được dự báo sẽ “lên ngôi” trong mùa cao điểm du lịch này.
Trong khi đó, tại các địa phương, hàng loạt chương trình khuyến mãi kích cầu được triển khai. Các “đại bàng” du lịch như Vingroup, Sungroup... cũng tất bật chuẩn bị cho ra mắt nhiều “siêu phẩm” mới để thu hút các tín đồ du lịch. Đó là còn chưa kể, từ Chính phủ cho tới các hiệp hội, DN đang cùng nhau thúc đẩy nghiên cứu, hy vọng nhanh chóng triển khai “hộ chiếu vắc xin”, mở cửa bầu trời, đón đầu du lịch quốc tế để phá băng du lịch.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, cho biết tình trạng ùn tắc sân bay trong các mùa cao điểm ảnh hưởng rất nhiều tới các DN lữ hành. Khách hàng có nhu cầu mua tour giá hợp lý, chọn hàng không giá rẻ để tiết kiệm chi phí nhưng tình trạng hủy chuyến, hoãn chuyến lại thường xuyên xảy ra. Đây là phần dịch vụ mà công ty lữ hành hoàn toàn bị động. Do đó, với tình hình hạ tầng hiện nay, việc du lịch phát triển “nóng”, phát triển đột phá sau dịch, rất đáng lo ngại.
Hạ tầng ì ạch
Du lịch phát triển mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng không, nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán cấp bách với hạ tầng hàng không về tăng trưởng dài hạn. Trước thời điểm Covid-19, nhiều sân bay tại các TP lớn đã duy trì tình trạng hoạt động quá công suất nhiều năm nhưng không được mở rộng, cải thiện. Ngay tại sân bay lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất, ùn tắc liên miên cả trên trời và dưới đất, nhưng dự án xây dựng nhà ga T3, mở rộng sân bay được đánh giá là vô cùng cấp bách, đã hơn 2 năm trôi qua vẫn ì ạch chưa thể hẹn ngày khởi công.
Dự án loay hoay mất gần 2 năm để xác định được ai là chủ đầu tư, phải “nhờ” tới Thủ tướng đứng ra phê duyệt, trao dự án cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhưng đến nay vẫn bế tắc trong thủ tục giao đất. Dù chưa chịu áp lực quá tải lớn như sân bay Tân Sơn Nhất, song việc mở rộng sân bay Nội Bài cũng đang tiến hành rất chậm chạp. Tháng 9.2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT và tư vấn Pháp rà soát phương án quy hoạch sân bay Nội Bài để tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng trong năm 2020. Việc quy hoạch phải đảm bảo tiến độ để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án vào năm sau. Dù vậy, tới hết quý 1/2021, đại diện Bộ GTVT cho biết điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài vẫn đang ở giai đoạn lấy ý kiến.
Chưa nói đến loại giấy thông hành đặc biệt như “hộ chiếu vắc xin”, nội giấy tờ đăng ký thị thực điện tử hoặc làm visa truyền thống tại cửa khẩu thôi cũng đã khiến nhiều du khách nước ngoài ngao ngán. Là quốc gia nằm trong top có ngành hàng không phát triển nhanh nhất thế giới nhưng Việt Nam chưa có 1 cảng hàng không nào được trang bị hệ thống soi chiếu an ninh hiện đại như các nước lân cận và trên thế giới.
Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB)
|
Không chỉ những công trình hạ tầng phải chịu cảnh mỏi mòn chờ cơ chế, ngay việc phân làn, phân luồng tại sân bay cũng có nhiều bất cập. Từ đầu năm đến nay, hành khách bắt xe công nghệ ở Tân Sơn Nhất phải xách vali lên 4 - 5 tầng để đón xe; hành khách bắt taxi phía dưới phải xếp hàng dài chờ hàng tiếng đồng hồ, đến khi đón được thì taxi chê cuốc ngắn, không chạy… Đáng nói, theo phương án phân làn mới, khu vực nhà giữ xe TCP gần như là đơn vị giữ nhiệm vụ chính, gánh thêm lượng hành khách, phương tiện lớn nhưng lại chỉ được thông báo trước khi triển khai chưa tới 2 tuần, dẫn đến việc thang máy không kịp bổ sung, thường xuyên ùn tắc.
Là đơn vị trực tiếp được giao quản lý 22/23 cảng hàng không trên cả nước, lãnh đạo ACV cũng phải thừa nhận việc phát triển hạ tầng sân bay tại VN đang quá ì ạch, chạy theo sau cản trở sự phát triển. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, nhận định sau một thời gian nhu cầu đi lại bị nén, hàng không sẽ “bùng” lại rất kinh khủng. Nếu kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không được triển khai đồng bộ với việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và dự báo phát triển kinh tế - xã hội nói chung của khu vực cho tới giai đoạn 2025.
Bình luận (0)