Dự thảo về mô hình đại lý thanh toán ngân hàng: Quá cứng và vướng nhiều luật

Mai Phương
Mai Phương
29/06/2021 05:46 GMT+7

Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo lần đầu tiên có quy định cho phép ngân hàng ủy thác cho các bên thứ ba làm đại lý thanh toán...

Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo lần đầu tiên có quy định cho phép ngân hàng ủy thác cho các bên thứ ba làm đại lý thanh toán, nhưng vẫn còn một số vướng mắc và chưa phù hợp với một loạt quy định khác.

Không thúc đẩy sự cạnh tranh

Luật sư Trần Thành Quyết, Đoàn luật sư Hà Nội nhận xét, luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định các tổ chức tín dụng được thực hiện nghiệp vụ đại lý tại điều 106. Như vậy, cơ sở pháp lý của hoạt động đại lý ngân hàng (NH) phải là chế định đại lý thương mại tại luật Thương mại.
Trong 10 năm trở lại đây, hình thức đại lý NH đã được nhiều quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc… thực hiện rộng rãi và thu được nhiều thành công. VN mới chỉ làm thí điểm và nay là lần đầu tiên mô hình này được quy định chính thức
Theo quy định của luật Thương mại, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Đồng thời, hoạt động đại lý được thực hiện theo sự thỏa thuận của hai bên, trong đó bao gồm cả việc đại lý có quyền hưởng thù lao thông qua chênh lệch giữa giá dịch vụ mình cung cấp với giá của bên giao đại lý. Việc dự thảo mới này buộc các đại lý thanh toán không được thu phí cao hơn mức phí niêm yết của NH giao đại lý là không phù hợp với luật Thương mại.
“Nếu xác định hoạt động đại lý thanh toán là một hình thức đại lý theo quy định của luật Thương mại, thì hoạt động này không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư. Việc cơ quan soạn thảo đặt ra những hạn chế như không cho phép cá nhân làm đại lý thanh toán, giới hạn số lượng đại lý theo số lượng chi nhánh của bên giao đại lý, giới hạn giao dịch hay mức phí dịch vụ… có thể được hiểu là các điều kiện kinh doanh mới cho hoạt động đại lý. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV của Phụ lục IV của luật Đầu tư trước khi Chính phủ có thể quy định điều kiện kinh doanh mới dưới hình thức nghị định”, luật sư Quyết nói.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, đã có khoảng 85% quốc gia trên thế giới đã cho phép mô hình đại lý NH hoạt động từ lâu và có đến 60% trong số đó cho phép các cửa hàng bán lẻ, hợp tác xã... tham gia hoạt động này. Bởi đại lý NH có thể mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan. “Tôi cho rằng NH Nhà nước chỉ cần đưa ra một số quy định về việc trở thành đại lý NH. Còn về số lượng đại lý để các NH tự quyết định dựa trên nhu cầu phát triển của mình. Bên cạnh đó, mức phí đối với đại lý hay giá trị giao dịch cũng không nên quy định cứng mà có thể đưa ra mức trần tùy theo từng vùng, miền khác nhau. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho các NH phát triển nhanh hơn mạng lưới đại lý phù hợp với mình trong quá trình phát triển để đẩy mạnh thị trường thanh toán tại VN”, luật sư Hậu chia sẻ thêm.

Quyền mở rộng của NH nhỏ bị hạn chế

Không chỉ chưa phù hợp với luật Đầu tư, Thương mại mà theo phân tích của luật sư Phùng Anh Tuấn, luật sư điều hành Hãng luật VCI Legal, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), dự thảo Nghị định về quy định thanh toán không dùng tiền mặt là một nghị định có nhiều nội dung chuyên môn và những quy định về đại lý NH là cần thiết và phù hợp với chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, để dự thảo trên khả thi, thì cần tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn nữa. Bên cạnh đó, luật Cạnh tranh năm 2018 có quy định nguyên tắc tổng quát về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh là: “Doanh nghiệp (DN) có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật”, và cam kết “Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh”. Như vậy, luật Cạnh tranh đã liệt kê rõ một số hành vi bị cấm của các cơ quan nhà nước, trong đó có hành vi “Phân biệt đối xử giữa các DN”.
Chưa kể, nghị định Hướng dẫn thi hành luật Cạnh tranh cũng làm rõ các trường hợp cơ quan nhà nước có thể tạo ra rào cản pháp lý cho việc gia nhập và mở rộng thị trường của cách DN bằng các quy định. Việc dự thảo quy định hạn chế số lượng đại lý là tổ chức phi NH không được vượt quá số lượng chi nhánh hiện có, rõ ràng quyền gia nhập và mở rộng thị trường của các NH có ít chi nhánh bị hạn chế hơn so với các NH lớn có nhiều chi nhánh. Nói cách khác quyền tự do cạnh tranh của các NH ít chi nhánh bị hạn chế ở mức không bao giờ có thể có số lượng đại lý bằng được các NH lớn vốn có nhiều chi nhánh. Rõ ràng quy định này vô hình trung tạo ra rào cản pháp lý cho các NH nhỏ.
“Theo quy định của dự thảo, trong mọi trường hợp NH giao đại lý sẽ chịu trách nhiệm đối với hoạt động của đại lý. Ngoài ra theo quy định hiện tại về quản trị rủi ro, các NH cũng phải tự đảm bảo việc tuân thủ hệ số an toàn vốn CAR cho toàn bộ hệ thống của mình. Vì vậy, để chính sách có tính khả thi, đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh dự thảo theo hướng mở để các NH, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị hữu quan có không gian cơ chế linh hoạt hơn trong việc lựa chọn và giao đại lý theo các điều kiện, khả năng và chiến lược cụ thể của từng đơn vị, thay vì áp dụng những hạn chế cứng như nêu trên”, luật sư Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.