Nguồn tin của Thanh Niên cho biết ngày 27.8, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Bộ VH-TT-DL quyết định đưa lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (H.Lệ Thủy) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (H.Lệ Thủy) có từ lâu đời. Lệ Thủy là huyện thuần nông, vựa lúa của Quảng Bình. Có câu ca: Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người. Tương truyền, trước đây, vào dịp hè hằng năm, sông Kiến Giang đều khô cạn nước bởi hạn hán, nhưng cứ đến tháng 8 là có mưa, nước sông dâng đầy; ruộng đồng cũng ngập nước, thuận lợi cho việc sản xuất đồng áng. Chim muông cá thú tràn đồng. Nước mưa lũ cũng cuốn quét sâu bọ, mang phù sa bồi đắp cho mùa vụ.
Dân làng khắp nơi mới mở hội đua thuyền ăn mừng, cũng là mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai bơi gái đua và cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa sản xuất bội thu.
|
Sau này, khi Cách mạng tháng Tám thành công, lễ hội đua, bơi được địa phương tổ chức hằng năm đúng vào ngày 2.9 để chào mừng Quốc khánh mà người Lệ Thủy thường gọi là Tết Độc lập. Dịp này, người Lệ Thủy làm ăn sinh sống tứ xứ đều tụ hội về quê, vừa coi đua bơi nhưng cũng để thăm gia đình, tri ân bố mẹ sinh thành. Đặc biệt, trong dịp này, hầu hết các gia đình ở Lệ Thủy đều bày hương hoa, bánh trái và các loại quả sản vật địa phương như: cam, bưởi, dâu để cúng ông bà tổ tiên...
Hội đua, bơi trên sông Kiến Giang còn có nét đặc biệt khi tổng đường đua tranh tài lên đến 24km đối với nam và 15km đối với nữ. Đò nam gọi là đò bơi, đò nữ gọi là đò đua. Nam ngồi chầm với mái chèo ngắn, còn nữ đứng chèo mái chèo dài. Người xem đứng ken đặc hai bên bờ sông, mỗi lần đò đi qua, ai cũng reo hò cổ vũ và dùng đủ dụng cụ như nón lá, thau chậu tát nước động viên cho các trai bơi gái đua.
Bình luận (0)