Đưa Đông Nam bộ thành cửa ngõ giao thương số 1 Đông Nam Á

11/02/2023 06:50 GMT+7

Chiều qua 10.2, Công ty CP Cảng Sài Gòn tổ chức hội thảo "Lịch sử thương cảng Sài Gòn và Phát triển cảng trung chuyển quốc tế ở cửa ngõ Cần Giờ".

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho biết dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ do Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác Tổng công ty hàng hải VN - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất. Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua 10 - 15 triệu teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD, được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư.

Đưa Đông Nam bộ thành cửa ngõ giao thương số 1 Đông Nam Á  - Ảnh 1.

H.Cần Giờ (TP.HCM) có nhiều tiềm năng phát triển

NGỌC DƯƠNG

Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu, cố gắng trong quý 1 trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng như UBND TP.HCM, mục tiêu bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 của siêu cảng trung chuyển này vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. "Chúng tôi kỳ vọng việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam - rồng biển thức giấc", ông Cường kỳ vọng.

Về vị trí xây dựng dự án, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Portcoast, chỉ rõ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nằm trong vùng chuyển tiếp trên 2 cù lao cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển bằng sông Thêu. Khu vực này khá biệt lập, không ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển. Bên cạnh đó, với tính chất cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối, giảm tác động đến môi trường. Chưa kể, nhà đầu tư chiến lược MSC cam kết xây dựng theo mô hình cảng xanh, cảng tự động, phát thải cực ít.

Nhấn mạnh đây không chỉ là dự án có ý nghĩa rất quan trọng với TP.HCM mà đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế toàn vùng cũng như cả nước, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định TP phải cấp tốc đưa dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ vào Quy hoạch cảng biển số 4. Nếu làm được như đề án, cảng này sẽ biến Đông Nam bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á. "Phát triển Cần Giờ thành cảng biển số 1 đã tới lúc phải làm, không thể chậm thêm được. Nhà đầu tư không ở đó chờ ta hoài. Khi triển khai, TP cần đề nghị Bộ Chính trị giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ trì, nắm quyền chủ động. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh quan điểm xây dựng Cảng Cần Giờ không cạnh tranh, làm lép vế các cảng hiện hữu như Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung thêm tiềm năng cho cả vùng. Đồng thời làm rõ vấn đề môi trường, hệ thống giao thông kết nối như thế nào, có ảnh hưởng tới Khu dự trữ Cần Giờ hay không…", TS Trần Du Lịch lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.