Năm mới, giao thông Đông Nam bộ kỳ vọng diện mạo mới

01/01/2023 12:02 GMT+7

Hàng loạt dự án cao tốc dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023 cùng với nhiều tuyến cao tốc khác được khởi công sẽ tạo cho khu vực Đông Nam bộ thêm diện mạo mới.

Ngày 31.12, Bộ GTVT cho hay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Bộ, các Ban quản lý dự án (QLDA) và các nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn, huy động đầy đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vào 31.12.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trong ngày thông xe kỹ thuật 31.12.2022

lê lâm

Chìa khóa gỡ nút thắt giao thông

Theo Ban QLDA giao thông 7 (chủ đầu tư Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư Phan Thiết -Dầu Giây), sau khi thông xe kỹ thuật, các nhà thầu tiếp tục thi công các hạng mục phụ trợ, đường gom dân sinh, hàng rào an toàn giao thông… để đưa dự án vào khai thác dịp lễ 30.4.2023.

Nói về kỳ vọng 2 tuyến cao tốc này khi đưa vào vận hành, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho hay: “Sẽ là chìa khóa tháo gỡ nút thắt về giao thông cho Bình Thuận. Các dự án này không chỉ kỳ vọng của chính quyền mà còn mơ ước của người dân Bình Thuận bao đời nay khi hệ thống giao thông đối ngoại hết sức khó khăn, người dân di chuyển đến TP.HCM phải mất nhiều giờ liền”.

Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, đánh giá sau khi cả 2 tuyến cao tốc hoàn thành, du khách đến Bình Thuận từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Cam Ranh rút ngắn một nửa thời gian di chuyển như hiện nay. “Chúng tôi kỳ vọng, không chỉ có ngành du lịch, mà các ngành kinh tế khác đều hưởng lợi từ việc này. Đặc biệt khi sân bay Phan Thiết kịp tiến độ (dự kiến hoàn thành trong năm 2023) sẽ là điều kiện để kinh tế tỉnh nhà bứt phá trong thời gian tới”, ông Bình phấn khởi.

Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với cao tốc TP.HCM-Long Thành - Dầu Giây trong ngày thông xe kỹ thuật 31.12.2022

lê lâm

Tại Đồng Nai, ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 54,6 km đã đi vào hoạt động từ 2015), Phan Thiết - Dầu Giây, chính quyền tỉnh cũng trông chờ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đánh giá: "Với lợi thế của sân bay Long Thành và các tuyến đường giao thông kết nối, đặc biệt các tuyến cao tốc thì Đồng Nai có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các chuỗi logistics khu vực xung quanh sân bay; đáp ứng được nhu cầu kết nối sân bay Long Thành với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và các tỉnh lân cận, thúc đẩy liên kết vùng".

2022 nhìn lại: GDP cao kỷ lục và điểm sáng kinh tế Việt Nam

Hàng loạt dự án cao tốc "chạy nước rút" để khởi công

Ngoài 2 dự án cao tốc nêu trên đưa vào vận hành, thì trong năm 2023 Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dài 53,7 km (đoạn qua Đồng Nai dài 34,2 km và Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,5 km) với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỉ đồng. Hiện cả 2 địa phương này đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để sẵn sàng cho ngày khởi công.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến khởi công vào ngày 28.4.2023

nguyễn long

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, địa phương đang khẩn trương thực hiện các công tác như tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, triển khai công tác khảo sát và dự kiến khởi công vào ngày 28.4.2023. “Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành sẽ giải quyết nhiều điểm nghẽn về hạ tầng kỹ thuật kết nối giao thông cho khu vực Đông Nam bộ, mở ra những điểm mới khi hoạt động kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được kết nối thông suốt vào các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là lợi thế để Bà Rịa -Vũng Tàu phát huy hiệu quả, tác động tích cực vào sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như cảng biển, công nghiệp, du lịch”, ông Vinh cho hay. Về phía Đồng Nai, hiện cũng đang gấp rút các thủ tục cần thiết để khởi công trước ngày 30.6.2023.

Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

nguyễn long

Ngoài tham gia dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai còn tiếp tục được giao thực hiện 2 tuyến cao tốc kết nối với Tây Nguyên, gồm: Dầu Giây - Tân Phú (dài 60,1 km), cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (dài 66 km). Hiện Bộ GTVT đang tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.

Người dân cũng như chính quyền Tây Ninh lại kỳ vọng rất lớn vào tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2022, Sở đã tập trung nguồn lực lớn để phát triển hạ tầng giao thông để kết nối với dự án này. Hiện Sở GTVT đang chủ động phối hợp với TP.HCM và các bộ ngành T.Ư đẩy nhanh tiến độ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu kịp có thể khởi công dự án vào cuối năm 2023 và dự kiến hoàn thành năm 2025.

Sau khi có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ phá vỡ thế độc đạo, giúp giảm tải cho QL22

giang phương

"Dự án được kỳ vọng lớn bởi sau khi được hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế với các nước ASEAN. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phá thế độc đạo, giảm tải cho QL22", ông Tài cho hay.

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo quy hoạch có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 (H.Củ Chi, TP.HCM) và điểm cuối đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) dài 50 km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM dài 23,7 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 6.355 tỉ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 7.433 tỉ đồng (trên địa bàn TP.HCM là 5.901 tỉ đồng và Tây Ninh là 1.532 tỉ đồng).

Ngoài các tuyến cao tốc, Đồng Nai còn được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia xây dựng và Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM với chiều dài hơn 76 km, điểm đầu giao cắt với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại km 38 (thuộc H.Nhơn Trạch, Đồng Nai; đã khởi công vào ngày 24.9.2022), sau đó chạy bao quanh TP.HCM và điểm cuối cũng giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn thuộc H.Bến Lức (Long An)…

Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, ngoài đường bộ thì hiện Đồng Nai đang phối hợp với Cục đường sắt Việt Nam nghiên cứu các hệ thống đường sắt Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành, Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu. “Khi các hệ thống giao thông trên hoàn thiện sẽ kết nối trực tiếp đến sân bay Long Thành, các cảng biển quốc tế Cái Mép Thị Vải, đồng thời kết nối đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giúp doanh nghiệp vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi rất lớn để Đồng Nai phát triển”, ông Nguyễn Bôn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.