Đưa trí tuệ nhân tạo vào điều trị ung thư

15/03/2019 04:58 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo giúp bác sĩ cập nhật nhanh chóng các phác đồ, các loại thuốc mới trong điều trị ung thư để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả, phù hợp cho từng bệnh nhân.

Năm 2018, Bộ Y tế cho phép 3 bệnh viện (BV): K T.Ư (Hà Nội), Ung bướu TP.HCM và Đa khoa tỉnh Phú Thọ thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tư vấn, hỗ trợ các bác sĩ (BS) lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư (UT).

Hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị

Ngày 14.3, TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV vừa kết thúc thí điểm ứng dụng AI trong điều trị cho 103 bệnh nhân (BN) UT vú và 126 BN UT đại trực tràng.
Phần mềm ứng dụng AI trong tư vấn và hỗ trợ các BS lựa chọn phác đồ điều trị bệnh UT có tên IBM Watson for Oncology do Tập đoàn IBM của Mỹ xây dựng. Phần mềm này đã được áp dụng ở 230 BV của 13 nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… Phần mềm AI này tập trung vào một số loại bệnh UT phổ biến.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của BV và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị UT vú là 71%, UT đại trực tràng là 88,1%. Mức độ tương đồng cao nhất giữa phác đồ điều trị của BV và phần mềm AI trong UT vú là khi BN ở giai đoạn 2, 3; còn trong UT đại trực tràng mức độ tương đồng cao nhất là giai đoạn 4.
Phác đồ trong AI không tương thích với phác đồ của BV thường rơi vào tình huống sử dụng thuốc. Vì AI đưa ra phác đồ với thuốc theo thị trường thuốc ở Mỹ, nhưng có thể thuốc đó tại VN không có.
Tại BV K, sau 3 tháng thử nghiệm AI trên hơn 200 ca bệnh (tập trung phần lớn là bệnh UT vú, UT phổi) kết quả cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà AI đưa ra và phác đồ của BS là trên 90%.
Theo TS-BS Thịnh, AI là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, “Big Data” tích hợp tất cả những nghiên cứu trên thế giới về UT, từ đó có thể ứng dụng giúp BS lựa chọn được những phác đồ điều trị cho từng BN cụ thể.
“Về nguyên tắc điều trị, BS phải học, đọc những dữ liệu lâm sàng, cập nhật y văn thế giới và ra được phác đồ. Nếu không có AI, BS vẫn phải tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị cho BN. Tuy nhiên, khi có AI, công cụ này giúp BS tự tin, cập nhật nhiều dữ liệu, chứng cứ vững chắc, từ đó ra được kế hoạch, phác đồ phù hợp; khả năng thuyết phục được BN cao hơn”, TS-BS Thịnh nói và khẳng định AI rất giá trị.
Sau khi thí điểm, BV Ung bướu đang tính toán thương thảo với đơn vị cung cấp mua lại phần mềm AI này để ứng dụng điều trị cho BN UT.
PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho rằng tại VN, ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh hỗ trợ điều UT trên nền tảng điện toán biết nhận thức đang bước đầu được triển khai tại một số BV và cũng đã hỗ trợ BS trong chẩn đoán cũng như đưa ra phác đồ điều trị UT.
Theo ông Tường, phát triển AI là xu thế tất yếu của thời đại; VN không thể chần chừ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. AI dựa trên nền tảng Big Data (trên 1.500.000 bệnh án - một kho dữ liệu quý), hệ thống cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/lần. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị chính xác, khách quan, kịp thời và không lạc hậu.

Không thay thế được con người

“Tuy nhiên vẫn không thể thay thế được con người. Bởi độ chính xác của nó hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu lâm sàng đầu vào do các BS nhập vào, hệ thống tổng hợp các thông tin để giúp các BS đưa ra quyết định chẩn đoán nhanh và chính xác hơn”, ông Tường lưu ý.
Theo đánh giá của lãnh đạo BV Ung bướu, ưu điểm của nền tảng AI này là: cơ sở dữ liệu dựa trên thực tế điều trị UT tại Mỹ; giúp các BS có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong qua trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn; hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia...
Tuy nhiên, hiện AI chưa có phiên bản tiếng Việt nên BS sử dụng phải thông thạo tiếng Anh chuyên ngành. AI này cũng chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn của VN như đặc thù của các BV (cơ sở vật chất, danh mục thuốc và tình trạng quá tải), của BN (địa lý, tài chính, chế độ bảo hiểm y tế…). Đại diện BV K cũng cho biết thêm, hiện hệ thống AI cũng chưa hỗ trợ chẩn đoán, không hỗ trợ điều trị người mắc nhiều loại UT một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc trên 89 tuổi.
PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K, cho rằng AI giúp BS cập nhật nhanh chóng các phác đồ, các loại thuốc mới trong điều trị UT để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp cho từng BN. AI hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của BS, đặc biệt là các BS trẻ và nhất là tại tuyến tỉnh. Tuy nhiên, xu hướng điều trị UT là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng BN, chỉ có BS mới đưa ra các chỉ định tinh tế phù hợp với điều kiện sinh học và hoàn cảnh xã hội khác nhau của từng người bệnh.
Đánh giá sau khi các BV thí điểm, Hội đồng khoa học Bộ Y tế lưu ý nếu ứng dụng AI, các BV xem xét hạ giá thành khi triển khai.
Một số loại thuốc AI đưa ra chưa có ở VN
Về chi phí điều trị khi tham khảo AI, theo TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, không có sự gia tăng chi phí cho BN cũng như hiệu quả điều trị tương đương, trừ khi AI đưa ra phác đồ có các loại thuốc mới, thuốc sinh học đắt tiền. Tuy nhiên, có những loại thuốc mà AI đưa ra thì VN chưa có.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018, toàn thế giới có 18,1 triệu người mắc UT mới và 9,6 triệu người tử vong do bệnh UT. Tại VN, số ca mắc UT không ngừng gia tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và 165.000 ca vào năm 2018, trong đó gần 70% trường hợp tử vong. Tại VN tính chung cả 2 giới, 5 loại UT có tỷ lệ mắc nhiều nhất gồm: UT gan (chiếm 15,4%), UT phổi (14,4%), UT dạ dày (10,6%); tiếp theo là UT vú, UT đại trực tràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.