Đùa vô duyên 'cắm sổ đỏ', 'nhảy cầu' mùa World Cup coi chừng vi phạm pháp luật

23/11/2022 17:21 GMT+7

Sau mỗi trận đấu World Cup, nhiều người hay đùa sẽ cầm cố tài sản hoặc đề cập đến chuyện không hay như “nhảy cầu” và tưởng chừng đây chỉ là những câu nói vu vơ nhưng vô tình lại tạo nên một lối nghĩ tiêu cực.

Hai câu đùa vô duyên trong mùa World Cup này

CHỤP MÀN HÌNH

Đùa nhưng không vui

Thời gian gần đây, sức nóng của các trận cầu World Cup 2022 luôn là tâm điểm hàng đầu của nhiều người, bên cạnh những bàn luận về những tình tiết đặc sắc, cầu thủ ấn tượng… thì đời sống bình thường lẫn trên mạng xã hội lại có những câu đùa như “cắm sổ đỏ” hay sau mỗi trận đấu sẽ có những bình luận như “Cầu X là địa điểm hot”, “Mọi người xếp hàng trên cầu đừng chen lấn”, “Cầu chỗ X đông rồi, anh em qua cầu Y nhé” hoặc tệ hơn là chụp ảnh đứng ở cầu với đôi dép để lại rất phản cảm.

Thường hay bắt gặp những câu đùa vô duyên như thế này, Võ Thị Kiều Oanh (19 tuổi), ngụ tại đường Tân Lập, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An (Bình Dương) chia sẻ: “Những lúc đi qua cầu Sài Gòn, mình hay nghe người ta nói: ‘Coi kết quả xong thì nhớ đăng ký chứ không là cầu kín chỗ’ hoặc ‘cầu Sài Gòn nè, địa điểm thu hút nhất mỗi mùa World Cup’. Ngoài ra, lúc ở trong quán cà phê xem bóng đá thì cũng nghe đại loại là ‘Mày đặt đội nào, tao chắc đội này thắng nè, không tin tao thì có nước cắm sổ đỏ’ hoặc là ‘Cược đội đó là cắm sổ đỏ đi là vừa’”.

Bảng giá "nhảy cầu" và các chia sẻ đùa cợt trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Còn đối với Trịnh Hoàng Giang (21 tuổi), ngụ tại khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) thì hay bắt gặp những câu đùa ấy trên mạng. “Không chỉ World Cup mà bất kỳ giải bóng đá lớn nào mình cũng nghe những câu như vậy. Tuy nhiên, trên mạng thì rất nhiều, nhất là ở các bài đăng về tỉ số của một trận bóng nào đó, đặc biệt là trận đấu có sự tham gia của những đội bóng lớn, được đông đảo người Việt Nam hâm mộ”, Hoàng Giang cho hay.

Giang cũng cho biết thêm dù có nhiều câu đùa có thể vô hại nhưng có những điều thật sự không nên đùa vì liên quan đến việc tự làm hại bản thân như “nhảy cầu”. “Khi nghĩ đến điều đó thì mình thấy nó thật sự không hay, mà vấn đề này hiện nay cũng đang rất nhạy cảm và không nên xem đó là một đề tài để đùa cợt được”, Giang nói.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản và thậm chí một số fanpage lớn nhỏ đều đăng các hình ảnh, câu chữ liên quan đến vấn đề nhạy cảm trên. Thậm chí có trang còn đưa ra bảng giá “nhảy cầu” và địa điểm để cổ súy theo các câu đùa trên, điều này vô hình trung tạo nên một lối nghĩ không hay.

“Ban đầu, mình thấy bình luận vậy cũng bình thường, nhưng để đùa thì hơi quá thật. Mình nghĩ không nên nói điều như vậy vì sẽ làm mọi người có cái nhìn xấu vào mỗi mùa World Cup khi thay vì nghĩ rằng đây là mùa bóng đá phục vụ đam mê của mọi người thì khi nghe đùa như vậy quá nhiều, nhiều người sẽ nghĩ World Cup là mùa của nợ nần và tiêu cực”, Kiều Oanh bày tỏ.

Tránh trường hợp cổ súy tiêu cực

Nói về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Bình Dương (BIAC), cho biết: “Khi vào mùa World Cup trên các mạng xã hội có nhiều người chế ra nhiều chủ đề vui để hưởng ứng và nếu không nhằm mục đích xấu thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc chia sẻ các thông tin cũng phải trong khuôn khổ pháp luật”.

Luật sư Hưng cho hay những câu đại loại như “cắm sổ đỏ” liên quan đến việc cầm cố tài sản để đánh bạc, cá độ bóng đá, hay cụm từ “nhảy cầu” có thể hiểu là việc một người lựa chọn tự tử để kết thúc những “khủng hoảng” từ việc cá độ, đánh bạc.

Luật sư Trương Quốc Hưng cảnh báo việc đùa quá mức trên mạng xã hội có thể vi phạm pháp luật

NVCC

“Nếu việc chia sẻ các thông tin có dấu hiệu kích động cho hành vi đánh bạc, chia sẻ các thông tin giả mạo, sai sự thật có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ (sửa đổi bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ) với mức hình phạt từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng”, ông Hưng cho hay.

Vị luật sư này cũng cho biết, trẻ con là đối tượng dễ bị tổn thương và bắt chước những câu từ trêu đùa của người lớn và sẽ rất tai hại nếu đó là thông tin độc hại đối với trẻ như miêu tả các hành vi tự tử hoặc các hành vi rùng rợn trên không gian mạng. Xa hơn, một số hành vi chia sẻ có thể cổ súy, manh nha cho các hành vi đánh bạc, tử tự hoặc các hành vi xấu khác trong xã hội.

“Có nhiều vụ việc là ‘tin giả’ nhưng lại gây ra ‘hậu quả thật’. Do vậy khi vui đùa trong mùa World Cup, trước khi chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội, bản thân mỗi người nên tự kiểm chứng thông tin và không nên chia sẻ các thông tin ‘quá đà’ vui đâu chưa thấy nhưng dẫn đến các hậu quả đáng tiếc và vô hình trung có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Hưng bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.