Nghe những người trẻ bình luận về World Cup

21/11/2022 16:21 GMT+7

Giải đấu World Cup 2022 là một trong những đề tài sôi nổi của nhiều người trẻ trong thời gian này. Vậy những người ít hoặc không xem bóng đá sẽ làm gì để hòa chung nguồn không khí ấy trong các buổi gặp gỡ?

Bên cạnh những người trẻ cuồng nhiệt với bóng đá, cũng có những bạn rất ngại khi không thể chia sẻ về bộ môn này

THANH TÙY

Ngại chia sẻ về bóng đá vì sợ nói sai

Bên cạnh những người trẻ “cháy hết mình” với những trận cầu nảy lửa tại các giải đấu World Cup 2022 sắp diễn ra trong thời gian tới, và họ sẽ liên tục theo dõi để cập nhật thông tin suốt mùa giải thì cũng có các bạn trẻ không quá mặn mà với điều này vì nhiều lý do.

Không thường xem bóng đá hoặc chỉ khi có đội tuyển Việt Nam tham gia thi đấu mới xem, Hà Mỹ Quyên (22 tuổi), ngụ tại khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết: “Ở thời điểm này, mình không theo dõi các trận đấu World Cup vì giải đấu được chiếu ở khung giờ khá trễ và bóng đá cũng không phải môn thể thao mà mình yêu thích”.

Nhiều người sẽ khó xử khi khó tham gia vào câu chuyện liên quan đến bóng đá

THÚY VY

Tương tự, Nguyễn Thị Cẩm Tuyết, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: "Mình chỉ tìm hiểu và biết một vài thông tin về bóng đá trong nước để trao đổi cùng với mọi người. Còn với các mùa World Cup thì cũng ít theo dõi vì có công việc riêng".

Còn đối với Nguyễn Hoàng Long (21 tuổi), ngụ tại số 12/12 Tân Lập, P.Đông Hoà, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho hay: “Mình rất ít xem bóng đá, thường chỉ xem khi đội tuyển Việt Nam đá chung kết ở những giải đấu mang tầm quốc tế. Và mình cũng không có nhiều thời gian để theo dõi các trận đấu bóng đá ở giải World Cup mỗi đêm nên thường chỉ đọc nhanh thông tin để nắm diễn biến trận đấu như thế nào thôi”.

Dù sở thích thể thao và đam mê xem bóng đá của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên cũng có một số bạn trẻ có cảm giác rất lạc lõng trong một buổi nói chuyện khi mọi người chia sẻ rất nhiều thông tin sau các trận đấu mà bản thân lại khó tham gia vào được.

“Mình đã từng có cảm giác khó xử vào những buổi nói chuyện liên quan đến bóng đá. Những lúc như thế mình chỉ ngồi lắng nghe để biết thêm về diễn biến hoặc thuật ngữ nào đó liên quan nhưng cũng ngại chia sẻ vì sợ nói sai thông tin thì xấu hổ lắm”, Cẩm Tuyến bày tỏ.

Cùng cảnh ngộ với Cẩm Tuyết, trong các buổi bàn tán về các trận đấu bóng đá, Mỹ Quyên cho biết mình cũng chỉ góp mặt rồi bồi thêm vài câu cho vui thôi chứ cũng không biết nói gì về chuyên môn. “Vì mình không thật sự am hiểu hay biết về các nhân vật đó nên sẽ lựa chọn im lặng. Nhưng cũng khá thoải mái vì mọi người cũng biết đây không phải thế mạnh của mình nên cũng không khiến mình khó xử lắm khi trò chuyện”, Mỹ Quyên cho hay.

Hưởng ứng theo cách tự nhiên nhất

Nhiều người trẻ dù ít xem bóng đá nhưng do muốn hòa vào không khí chung của buổi trò chuyện để đỡ "sượng" hoặc muốn thể hiện rằng bản thân mình cũng có kiến thức về vấn đề này nên cố gắng ép bản thân hòa nhập với số đông dù đó không phải là chuyên môn hay sở thích.

Đừng nên gồng ép mình để hưởng ứng tinh thần bóng đá, người trẻ hãy tận hưởng không khí World Cup trên tâm thế thoải mái nhất

THANH TÙY

Chia sẻ về điều này, Hà Mỹ Quyên cho hay: “Thật ra nếu muốn hưởng ứng cuộc trò chuyện thì chỉ có cách duy nhất là phải theo dõi các trận đấu thôi, vì muốn nói thì phải xem và biết chút đỉnh chứ không biết gì hết mà tham gia vào thì rất dễ làm mọi người cụt hứng”.

Còn đối với Hoàng Long, người trẻ không nên quá bận tâm về vấn đề này vì bóng đá là sở thích riêng và mọi người có quyền lựa chọn xem hay không xem và việc bản thân không biết hay không rõ về vấn đề gì đó mới là chuyện bình thường.

“Dù bóng đá không phải sở trường của mình nhưng mình vẫn sẽ hưởng ứng không khí World Cup qua hình thức im lặng lắng nghe và hỏi những điều chưa biết. Đây cũng là cách hưởng ứng phù hợp với mình vì được biết thêm nhiều điều hay ho mà trước giờ mình không để ý, ngoài ra cũng còn nhiều cách khác nhau như chỉ cần xem một số trận tiêu biểu là đã có nhiều cái để chia sẻ rồi”, Long bộc bạch.

Mặc dù không quá cuồng nhiệt, ít xem các trận đấu nhưng Cẩm Tuyết cho biết vẫn sẽ luôn tôn trọng cảm xúc, niềm đam mê của người khác đối với bóng đá.

“Mình nghĩ những người trẻ như mình hoàn toàn có thể hưởng ứng không khí World Cup một cách thoải mái hơn khi xem cùng gia đình, bạn bè và lắng nghe chia sẻ của họ về mùa giải này. Qua đó, mình sẽ biết thêm thông tin, đồng thời xem bóng đá cùng nhau cũng là cách để kết nối mọi người lại với nhau hơn”, Cẩm Tuyết bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.