Đó là ý kiến của nhiều độc giả sau khi đọc bài viết Trường phổ thông chỉ dạy 4 môn trên Thanh Niên ngày 28.11.
Hiểu sai về giáo dục
Có phụ huynh rất ủng hộ việc bỏ môn học ở phổ thông để “nhẹ” cho con và đảm bảo chắc chắn con tốt nghiệp trung học, vào được đại học. Có học sinh hỏi tại sao phải học môn toán khi nói chuyện với ai đó tôi đâu mang đạo hàm ra để chứng minh, sao phải học hóa học khi trong thực tế tôi chẳng áp dụng kiến thức mình học...? Hãy nhớ rằng, giáo dục từng cấp là kết quả của một nghiên cứu lâu dài, học cái gì cũng cần thiết cho sự phát triển về tư duy, kỹ năng, kiến thức tự nhiên, xã hội… Cái cây lớn lên hoàn hảo, xanh tốt phải có không khí, đất, phân bón… thì con người cũng vậy, mỗi môn học sẽ hỗ trợ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Vì vậy, bỏ môn học là đi ngược, là phản giáo dục mà từ xa xưa người ta đã áp dụng.
Lương Văn Tân
(luongtanccb@gmail.com)
(luongtanccb@gmail.com)
Cần kiểm tra, xử lý sai phạm
Việc 2 trường THPT tư thục Hai Bà Trưng và Hoàng Diệu tự tiện bỏ môn học mà Báo Thanh Niên nêu chưa phải là nơi duy nhất. Trường tư có quyền chủ động sắp xếp, thiết kế nội dung môn học phù hợp với trình độ của học sinh chứ không thể bỏ, không dạy mà cho điểm.
Vì vậy, theo tôi Sở GD-ĐT TP.HCM cần tiến hành kiểm tra hệ thống các trường ngoài công lập. Nơi nào thực hiện không đúng quy định thì phải có hình thức xử lý thích hợp để các nơi khác không dám làm sai, ảnh hưởng đến học sinh.
Lê Cẩm Vân
(Q.3, TP.HCM)
(Q.3, TP.HCM)
Do quá chuộng bằng cấp
Trong việc này có một phần lỗi của xã hội. Bây giờ xã hội chuộng bằng cấp nên người ta phải bằng mọi cách có được tấm bằng. Nếu xã hội chuộng những người có kỹ năng, có sự toàn diện trong giáo dục thì đâu có tình trạng này. Sự loay hoay của giáo dục ở ta cũng là một nguyên nhân.
Võ Tấn Thi
(votanthi@yahoo.com)
(votanthi@yahoo.com)
Quá ngang nhiên !
Tôi không thể tưởng tượng rằng những người làm giáo dục lại có thể tư vấn ngang nhiên và vô trách nhiệm với phụ huynh, học sinh như vậy. Trong môi trường giáo dục, người thầy không chỉ dạy cho học trò kiến thức mà còn phải là tấm gương về đạo đức, sống có ý thức, có kỷ luật. Đằng này, người đứng đầu nhà trường sẵn sàng “chiêu sinh” bằng những việc làm sai quy định nghiêm trọng trong nhà trường như cho khống điểm. Theo tôi, các nhà quản lý cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ.
Nguyễn Thị Hòa
(Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM)
(Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM)
Đừng dối trá
Phụ huynh hãy cẩn trọng khi tìm trường cho con em. Một trường THPT có chất lượng là trường qua năm tháng giúp học sinh ngày một tiến bộ về học lực, có ý thức phấn đấu và rèn luyện về hạnh kiểm, đạo đức. Nếu việc học mà thực hiện một cách dối trá thì chính học sinh là người phải gánh chịu hậu quả. Đương nhiên, thi đậu ĐH là điều mọi người cùng mong muốn nhưng đó không phải là con đường lập nghiệp duy nhất.
Đào Minh Hương
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Nguy hiểm quá !
Tôi choáng váng khi đọc bài báo này. Một thế hệ tương lai của đất nước sẽ ra sao khi họ chỉ học 4 môn nhưng trong học bạ lại có kết quả của 13 môn học? Nhà trường dạy các em sự gian lận, giả dối, đối phó ở cái tuổi đang hình thành nhân cách. Hơn thế, với cách dạy như vậy, làm sao các em có đầy đủ kiến thức cần thiết để bước vào đời. Đâu phải một nhà toán học là không cần biết gì về văn học hay một nhà văn thì không cần phải tính toán, biết về các phản ứng hóa học? Cách giáo dục con người như vậy thì nguy hiểm cho xã hội, cho tương lai của đất nước quá.
Võ Văn Long
(volong32@gmail.com)
(volong32@gmail.com)
Bùi Thị Huệ
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Nguyễn Đức Nghĩa
(Đà Nẵng) D.Khang - Hải Dương
(thực hiện) |
Bình luận (0)