Đừng để áp lực học hành đè nặng vai trẻ

17/12/2022 06:30 GMT+7

Nhiều ý kiến lo ngại trước tình trạng học sinh vì áp lực học hành mà “bớt xén” thời gian ngủ đêm của mình để học tập, việc này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy.

Như Thanh Niên thông tin, bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM), cho biết ở đây không hiếm gặp những trường hợp học sinh (HS) sợ học nhưng vẫn phải quay cuồng học ngày học đêm, nhịn ăn, căng thẳng học tập đến mức vào nhập viện trong tình trạng loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu… Nhưng đáng buồn là nhiều cha mẹ khi thấy con đau bụng, sốt, gia đình không cho con tới bệnh viện ngay, mà chỉ ra tiệm thuốc mua thuốc uống qua loa vì sợ con phải nằm viện thì lỡ ngày học, ngày thi.

Trong bệnh viện, nữ sinh P.N.N kể với PV Thanh Niên những nỗi sợ hãi học tập

Thúy Hằng

“Khi nghe bác sĩ nói con phải nhập viện điều trị, câu đầu tiên nhiều phụ huynh thốt lên là “trời ơi sắp thi rồi”, “trời ơi mai kiểm tra rồi”. Nhiều người còn kiên quyết viết giấy cam kết, không cho con nhập viện vì để về đi thi đã. Hay có em, đến khi bị đau đầu choáng váng tới ngất xỉu tại trường mới vô viện cấp cứu!”, bác sĩ Thanh Hà bức xúc.

Quá trình thăm khám, điều trị, trò chuyện với các bệnh nhi, bác sĩ Hà cho biết tình trạng quen thuộc của các em là học bài đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng nhưng tới 5 rưỡi đã dậy để chuẩn bị đi học tiếp. Nhiều em học rất giỏi, nhưng cha mẹ vẫn đặt áp lực phải điểm cao hơn. Có em đã điều trị khỏi bệnh loét dạ dày, nhưng ra viện một thời gian lại tái phát vì tiếp tục căng thẳng kéo dài, nhịn ăn sáng để kịp đi học, ăn uống không đúng bữa. “Có em kể với tôi trước ngày thi là thức trắng đêm ôn thi. Nhiều đêm trước thì học hành căng thẳng quá đi ngủ gặp ác mộng, đau bụng không rõ lý do, vào giờ thi, giờ kiểm tra thì tay run bần bật, mồ hôi túa ra sợ hãi không viết được gì”, bác sĩ Thanh Hà kể.

Đừng để mọi việc quá muộn

Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này. “Học tập bây giờ trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ mà ở đó, người lớn đang tạo ra không ít áp lực về chuyện thành tích. Đừng để tình trạng này kéo dài bởi tôi tin sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy”, BĐ Hùng Phương cảnh báo.

Cùng quan điểm, BĐ Ngô Tâm ý kiến: “Biết rằng việc học ở độ tuổi này là quan trọng nhưng không thể tạo áp lực nặng nề lên các con, trong khi các con cũng cần phải vui chơi, giải trí mà. Đây là một dấu hiệu của bệnh thành tích mà nếu không có sự thay đổi sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường”.

BĐ Thanh Long xót xa: “Sự học bây giờ sao khó khăn quá, tui đã chứng kiến có những học sinh cứ lảm nhảm khi đi trên đường, có lẽ đang dò bài trước khi đến lớp. Không còn 3 tháng hè, không còn thời gian xả stress. Tội cho các cháu quá!”.

“Nhà trường và phụ huynh là hai mấu chốt của vấn đề này. Biết rằng việc học rất quan trọng nhưng cũng phải cân bằng chứ. Bao nhiêu bạn nhỏ rơi vào trầm cảm vì áp lực việc học, sao chúng ta không lấy đó làm bài học?”, BĐ Như Ý cảnh báo.

Mong chương trình học giảm nhẹ hơn

Không chỉ lên tiếng cảnh báo phụ huynh, nhà trường không gây áp lực cho con trẻ, nhiều ý kiến cũng mong mỏi chương trình học được cải tiến để việc học của trẻ ngày càng nhẹ nhàng hơn. “Chương trình phổ thông nặng quá sức của các con, hai đứa nhỏ nhà mình một đứa học lớp 9, một đứa lớp 12. Tối nào cũng học đến 1 - 2 giờ sáng mới đi ngủ, còn không thì không học kịp bài vở ở trường. Sáng phải dậy sớm đi học. Mong sắp tới chương trình giảm nhẹ hơn”, BĐ Le Duyen mong mỏi.

Tương tự, BĐ Romantic ý kiến: “Xin dành thời gian cho các em để tuổi trẻ còn có ý nghĩa, giảm bớt các kiến thức THPT hiện nay để bổ sung kiến thức về tâm lý, kỹ năng sống, tóm tắt về luật an ninh mạng, giao thông, hình sự để không vi phạm sẽ có ích hơn. Không nhất thiết vùi đầu vào kiến thức mà không thể áp dụng nếu các em không đi chuyên về nghiên cứu”.

Còn BĐ Vĩnh Khang, giáo viên THPT đã về hưu, khẩn thiết xin các thầy cô giáo hiện là giáo sư tiến sĩ, là các nhà khoa học giáo dục, là nhóm tác giả các bộ sách giáo khoa (SGK) xem lại nội dung chương trình. “SGK mới nhằm luyện rèn tính tư duy, sáng tạo, tính thực tiễn, tính hòa nhập gì gì đó cho HS thì tôi không dám bàn đến. Nhưng thực tế là nội dung SGK mới hiện tại đang quá nặng đối với bình diện HS đại trà (chiếm khoảng 70 - 75% cả nước). Đừng lấy các suy nghĩ, luận chứng khoa học, lý luận hàn lâm của các nhà khoa học, của người lớn (luôn cho là đúng) áp đặt lên các em. Các tổ chức giáo dục độc lập hãy thử khảo sát tâm tư nguyện vọng của HS về SGK mới sẽ rõ. Giáo viên chúng tôi đây còn thấy sốc, đừng nói các em”, BĐ này góp ý thêm.

* Thương các cháu HS không biết đến khi nào mới được mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Hoàng Thắm

* Nhiều HS THCS và THPT đang bị “tra tấn” bằng các loại bài tập về nhà, nó vượt sức chịu đựng của các em.

Trung Tinh

* Một đứa trẻ ngoài học trên lớp, học thêm cả tuần không có thời gian nghỉ ngơi nói gì đến tuổi thơ vui chơi theo lứa tuổi...

Nguyen Bong

* Nói là giảm tải chương trình, chủ trương không giao bài tập về nhà nhưng ngày nào cũng một đống bài tập các môn, đặc biệt nhiều hơn khi đến lúc thi, vừa bài tập, vừa kiểm tra thường xuyên, vừa ôn thi.

Se Ri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.