Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vì sao "giá điện linh hoạt" lại khiến người ta ngần ngại đến như vậy? Rất đơn giản. Thứ nhất, cùng là nguyên liệu đầu vào nhưng nếu giá xăng có lên có xuống thì giá điện hầu như chỉ có một chiều, điều chỉnh đồng nghĩa là tăng. Nhìn từ "lịch sử" đó, điều chỉnh nhiều lần gần như chắc chắn là tăng giá nhiều lần, điều chỉnh 6 tháng một lần là một năm tăng giá 2 lần, còn điều chỉnh 2 tháng/lần như đề xuất của Bộ Công thương là một năm tăng giá tới 6 lần...
Thứ hai, điện là khoản chi phí thiết yếu, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (DN); đến hầu bao của các bà nội trợ, các hộ gia đình... Bởi tính thiết yếu đó, người ta cần sự ổn định của giá điện. Vì nếu chi phí đầu vào biến động liên tục, rất khó để tính toán đầu ra. Từ đó ảnh hưởng tới tính chủ động trong xây dựng bài toán chi phí của tổ chức cũng như kế hoạch tài chính của cá nhân.
Nhìn rộng ra, giá điện không ổn định còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Thực tế cho thấy, giá điện rẻ từng là "vũ khí" của VN trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng cũng có những DN ngoại chọn nước khác vì nỗi lo thiếu điện sản xuất. Nói lại để thấy tác động rất lớn của giá điện đến mọi mặt đời sống KT-XH.
Không chỉ giá điện, nhiều vấn đề của ngành điện cũng đang khiến người dân, DN nơm nớp lo. Đó là nỗi lo thiếu điện khi Quy hoạch điện 8 chậm từ khâu xây dựng, ban hành, thực hiện. Quy hoạch chậm kéo theo hàng loạt dự án không thể triển khai. Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu phải giải quyết các vướng mắc và bổ sung, cập nhật xong trong tháng 4.2024, để làm cơ sở triển khai, đảm bảo hiệu quả Quy hoạch điện 8. Thế nhưng đến cuối tháng 12, Bộ Công thương vẫn chưa làm xong. Ngày 25.12, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ trình bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Ngay sau đó, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký quyết định ban hành phụ lục bổ sung, cập nhật danh mục dự án nguồn điện để thực hiện Quy hoạch điện 8... Trong khi đó, thực tế cho thấy từ quy hoạch tới triển khai thực hiện luôn là một bước dài, nên tâm lý phập phồng của người dân và DN với điện vẫn luôn hiện diện.
Chúng ta đều biết, tình trạng thiếu điện mấy năm trước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của DN. Dù đã khắc phục sau đó nhưng nỗi lo thiếu điện, nhất là khu vực phía bắc, vẫn thường trực. Ở thời điểm hiện tại, với định hướng tập trung phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, thu hút các ông lớn thế giới trong lĩnh vực này tới VN thì hạ tầng điện, sản lượng điện, sự ổn định về giá cả, nguồn... là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu.
Trong bối cảnh đó, những đề xuất, chính sách liên quan đến điện, giá điện cần hướng tới tính ổn định, hiệu quả để nguyên liệu thiết yếu này không trở thành nỗi ám ảnh đối với cả người dân và DN.
Bình luận (0)