Không chịu tin cô giáo đã có chồng
Cô Nguyễn Thị Vân (29 tuổi), giảng viên dạy cơ khí của Trường CĐ Kỹ nghệ 2 từng tốt nghiệp ngành sư phạm kỹ thuật của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Lúc mới ra trường, cô Vân còn trẻ trong khi học sinh, sinh viên trường nghề toàn là nam ở độ tuổi 18-20, nên cô bị trêu suốt. Nhất là các anh sinh viên lớp liên thông, có người lớn hơn cô Vân cả chục tuổi. Mỗi dịp đến ngày 20.10 hay 8.3, cả lớp lại mua hoa, quà tặng cô. Thậm chí cô còn được tặng hoa không nhân dịp gì cả.
“Mỗi lần lớp có sinh nhật là mình được học trò mời đi ăn uống cùng rất vui. Sau khi đi dạy được 2 năm thì mình lập gia đình. Lúc đó dạy xong phải về nhà chứ không còn nhiều thời gian như trước. Mình nói là bây giờ cô có chồng rồi, cô phải về nấu cơm cho chồng, thì không bạn nào tin, vì lúc đó mình vẫn còn rất trẻ”, cô Vân cho biết.
Cô Vân tự nhận mình là người rất nữ tính, nhưng lại quyết định chọn ngành sư phạm kỹ thuật vì cho rằng các ngành sư phạm khác hồi đó khó xin việc, trong khi nếu học kỹ thuật thì có thể về các trường nghề để dạy. Là nữ nhi yếu đuối nên có nhiều hôm dạy thực hành, nếu phải mang những thiết bị nặng như máy khoan, thì cô Vân lại được sinh viên hỗ trợ. Hoặc những máy móc cần có sức mạnh mới có thể điều khiển, cô Vân lại được đồng nghiệp và sinh viên giúp sức.
Cô Ngô Thị Minh Hiếu, giảng viên ngành nhiệt lạnh của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng có những kỷ niệm “nhớ đời” từ những ngày đầu đi dạy. “Ngay từ khi đi học ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, mình đã biết trước lĩnh vực này rất hiếm nữ. Cả khoa mình có mấy trăm sinh viên nhưng chỉ có 2 nữ. Đến buổi đầu tiên đi dạy, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, vậy mà đứng giữa một lớp toàn nam là nam, mình vô cùng bối rối, cố giữ bình tĩnh để bắt đầu buổi học”, cô Minh Hiếu kể lại.
Trước đây, cô Hiếu dạy cả môn lắp máy lạnh, khi thực hành phải bê cả dàn máy nóng nặng 45 kg. Thấy cô chân yếu tay mềm, các nam sinh đã lại cùng bê giúp.
Được nhà trường hỗ trợ, ưu tiên
Cô Dương Thị Hồng Nga, giảng viên ngành điện Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cho biết ở một môi trường từ giáo viên cho tới học trò đều chủ yếu là nam, thì xuất hiện một giảng viên nữ sẽ khiến cho cả thầy lẫn trò cảm thấy nhẹ nhàng, tươi tắn hơn, nên cũng được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.
“Thường nam sinh rất nghịch ngợm, giáo viên nữ sẽ dễ cảm hóa hơn vì có thế mạnh là tâm lý, khéo léo, nhẹ nhàng. Trường mình cô hiệu trưởng cũng là nữ, nên giảng viên nữ được tạo điều kiện rất nhiều. Điều đó khiến cho những giáo viên nữ dạy về kỹ thuật như tụi mình được động viên rất nhiều”, cô Hồng Nga chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, trường có 17 giáo viên nữ trên tổng số khoảng 100 cán bộ giảng viên. Những giáo viên nữ đều được lãnh đạo trường ưu tiên bố trí công việc theo nguyện vọng, được ưu tiên học tập nâng cao trong và ngoài nước… “Các em sinh viên rất thích giảng viên nữ dạy vì các cô nhẹ nhàng, tâm lý và xử lý các tình huống sư phạm rất uyển chuyển”, ông Hưng cho hay.
Tại Trường CĐ Lý Tự Trọng, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết trường có 31 giảng viên nữ dạy về kỹ thuật và được tạo điều kiện tốt nhất trong công tác.
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết trường hiện có 35 giảng viên nữ dạy kỹ thuật. Trường cũng ưu tiên sắp xếp cho các cô giảng dạy các môn lý thuyết và thực hành có tính chất tỉ mỉ, khéo léo, phù hợp với nữ giới; hạn chế cho các cô dạy thực hành các môn mang tính thị phạm, cần thể lực...
Bình luận (0)