Những ngành nghề nào ít bị robot thay thế trong thời 4.0?

15/10/2019 09:06 GMT+7

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội cũng như thách thức to lớn đối với một số ngành, nghề trong những thập niên tới.

Nghề nông ít bị thay thế

Trong những năm sắp tới, các công việc liên quan đến sáng tạo luôn dẫn đầu xu hướng. Từ đó, những ngành như chế tạo robot, điều khiển tự động sẽ trở nên “đắt giá”. Nhóm ngành công nghệ như: công nghệ thông tin, vật liệu nano, năng lượng, logistics, kỹ thuật y sinh cũng trở thành hàng đầu. Bên cạnh đó, ở ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, thiết kế sáng tạo, dinh dưỡngẩm thực, công nghệ chế biến… robot, máy móc khó thay thế con người hoàn toàn mà chỉ là công cụ bổ trợ. Về kinh tế, lĩnh vực quản trị, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc con người.
Tuy nhiên cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra nguy cơ rất lớn bị mất việc ở những ngành nghề gắn với lao động thủ công hoặc quá trình tự động hóa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 5 lĩnh vực nguy cơ mất việc làm cao gồm: công nhân nhà máy (nguy cơ mất việc 44%), nhân viên thu ngân (40%), tài xế taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%) và phi công (16%)… Những lĩnh vực này dễ bị robot, thiết bị thông minh... thay thế.
Cũng theo ILO, một số ngành nghề đặc trưng ít bị mất vào tay robot hơn, đó là: bác sĩ/y tá (khoảng 3%), luật sư (4%), nhà báo (5%), nhà nghiên cứu (6%), nông dân (11%).

Hướng nghiệp cần phát huy tiềm năng mỗi người

Trong bối cảnh này, định hướng giá trị nghề nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở cho sự phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, sự thịnh vượng của gia đình và thành công của mỗi cá nhân.
Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông có nhiệm vụ định hướng giá trị nghề nghiệp của học sinh, tạo điều kiện để các em tiếp tục học nghề, học đại học và phát triển nghề nghiệp theo sở thích và nguyện vọng.
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong giai đoạn này sẽ chịu nhiều tác động. Đó là sự hình thành những ngành nghề mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, xe tự lái, vật liệu mới, dữ liệu lớn… sẽ tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội, nền sản xuất ở mọi quốc gia. Những điều này sẽ dẫn đến có ngành, có việc làm mất đi, nhưng cũng có nhiều ngành và việc làm mới ra đời, phát triển.
Trong kỷ nguyên số, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực. Yêu cầu về trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng hợp tác, sáng tạo…
Trong bối cảnh đó, có những yêu cầu mới trong giáo dục hướng nghiệp. Chẳng hạn phải thay đổi sự phân loại nghề nghiệp truyền thống theo lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngành, nghề. Xóa bỏ tính “định mệnh nghề nghiệp” cho các cá nhân (đào tạo một lần, làm việc ở một lĩnh vực chuyên môn theo sở thích…) mà đòi hỏi phải thay đổi và chuyển nghề hoặc việc làm nhiều lần trong toàn bộ cuộc đời. Loại bỏ rào cản giữa những đặc điểm nhân cách cá nhân thích ứng với các loại hình nghề nghiệp nào đó mà cần quan niệm mỗi cá nhân có thể thích ứng với nhiều loại hình nghề nghiệp, việc làm và ở những môi trường khác nhau.
Vì vậy, trong tư vấn hướng nghiệp, điều mà giáo viên cần lưu ý là con người có năng lực bẩm sinh nhưng cũng có năng lực tiềm năng, năng lực đó có thể phát huy khi hành nghề. Do đó, tư vấn hướng nghiệp không chỉ bó hẹp trong phạm vi đánh giá năng lực sẵn có mà phải hỗ trợ, đánh giá năng lực cá nhân trong mỗi con người.
Những giá trị nghề nghiệp nào cần định hướng cho học sinh ?
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, những giá trị nghề nghiệp sau đây cần được định hướng cho học sinh.
Chữ tín là điều tâm niệm hàng đầu đối với người sản xuất. Cốt lõi của chữ tín là ý thức trách nhiệm cao của người lao động đối với công việc, nghề nghiệp của mình. Đó là sáng tạo, say mê trong lao động. Ngoài ra, còn là sự hiếu học, vươn lên không ngừng trong lao động nghề nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.