Đừng loay hoay chỉ với sách giáo khoa

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/10/2019 07:44 GMT+7

Lùm xùm câu chuyện loại sách của GS Hồ Ngọc Đại trong quá trình thẩm định sách giáo khoa mới với những lý do cứng nhắc khiến nhiều ý kiến lo ngại về tâm lý coi sách giáo khoa là pháp lệnh vẫn hiện hữu trong khi các nền giáo dục phát triển từ lâu đã thoát ly khỏi sách giáo khoa trong quá trình dạy học.

 

Xu hướng ngày càng ít phụ thuộc vào SGK

Còn nhớ năm 2017, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh (HS) từ năm học 2017 - 2018 của Bộ GD-ĐT đã gây “sốc” dư luận khi quy định: “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)”. Thời điểm này chưa có chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng việc Bộ “cấm” dạy những nội dung ngoài SGK cũng đã gây ra những phản ứng dữ dội, hầu hết các ý kiến đều cho rằng tư duy quá coi trọng SGK, coi đó là cẩm nang trong dạy học đã rất lỗi thời. Sau đó, Bộ GD-ĐT phải nhiều lần giải thích, hướng dẫn việc thực hiện công văn này và không hề nhắc tới lệnh cấm vô cùng khó hiểu đó.
Khi chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ cũng không ít lần tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế mời các chuyên gia ở các nước có nền giáo dục phát triển đến VN để chia sẻ về kinh nghiệm làm SGK trong bối cảnh hiện nay.
Tại một trong những cuộc hội thảo đó, bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty giáo dục Rising Stars and Hodder, Primary của Anh, khi nói về vai trò của SGK, đã cho biết: Khoảng 20 năm trước thì vai trò của SGK rất quan trọng nhưng xu hướng chung là càng ngày càng ít phụ thuộc vì nếu như vậy sẽ không phát huy được sự sáng tạo của HS. Nhiều môn học ở Anh hiện nay thậm chí không cần đến SGK. Việc dạy và học hoàn toàn không chỉ dừng lại ở kiến thức trong sách mà thông qua đó kích thích người học tiếp tục đào sâu, mở rộng kiến thức, kỹ năng. SGK giới thiệu những đường dẫn để người học tiếp cận được các nguồn học liệu khác cho mục đích bổ sung thông tin.
Theo bà Andrea Carr, ở Anh, không có ban thẩm định quốc gia về SGK. Bộ Giáo dục Anh đưa ra các tiêu chí, các nhà xuất bản căn cứ vào đó để biên soạn và phát hành. SGK của nhà xuất bản nào được các giáo viên, các trường lựa chọn nhiều thì bán được và nhà xuất bản đó “sống” được. Việc xây dựng tài liệu, SGK cũng theo xu hướng dành nhiều “không gian” để giáo viên và các trường có thể bổ sung, điều chỉnh các nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục của mình.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân có sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục, cho biết: “Việc có nhiều bộ SGK là cách làm rất phổ biến ở nhiều nước. Thông qua “danh sách SGK được phê duyệt” (“Approved Textbook List”, viết tắt là “ATL”). ATL là danh sách các SGK, sách bài tập của các nhà xuất bản khác nhau được bộ giáo dục các nước phê duyệt để các nhà trường và giáo viên lựa chọn từ đó cho từng môn học”.
Có con gái nhiều năm học tại Singapore nên ông Nam hiểu khá rõ về việc vận hành nhiều SGK ở đất nước này khi thông tin: Bộ Giáo dục Singapore phê duyệt ATL, khuyến cáo nhà trường, giáo viên sử dụng các SGK trong ATL nhưng không bắt buộc phải theo danh mục này. Các trường tư thục có thể dạy theo chương trình của nhà nước hoặc theo chương trình riêng. Khi trường tư thục dạy theo chương trình riêng, họ có thể chọn bộ SGK nằm ngoài danh sách ATL.

Tập huấn giáo viên không theo SGK nào

PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, khẳng định: Một giáo viên thực sự có trách nhiệm sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK để giảng dạy, họ sẽ là người tìm tòi các nguồn tài liệu, học liệu khác nhau để phù hợp với từng đối tượng HS, phong phú cho bài giảng của mình. Nhờ vậy mới có thể bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu... “Cá nhân tôi thời đi học phổ thông nhờ có những thầy cô không bao giờ bị lệ thuộc vào một cuốn SGK nên tôi rất hiểu”, bà Thơ chia sẻ.
Bà Tô Thị Diễm Quyên, giáo viên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm dạy học của mình từ cách đây hàng chục năm là chỉ sử dụng mục lục trong SGK để biết lộ trình, không cần SGK để bám theo vì sợ tự tạo lối mòn.
Theo bà Quyên, nếu thầy cô chỉ dạy những gì trong SGK thì người không chịu nổi chính là HS. Ví như muốn cho trò ăn thịt, thầy cô phải chế biến nó thành những món ăn đa dạng và pha chế nó sao cho tăng giá trị dinh dưỡng. Không thể nào vì quy chế mà ngày qua ngày thịt chỉ được luộc để nhìn rõ là thịt. Kiến thức không chỉ nằm trong bộ SGK bé nhỏ chật hẹp. Kiến thức là biển trời mênh mông mà đứa trẻ có thể tìm thấy ở Google, ở các kênh truyền thông, ở mọi trang web, ở chợ hay trên xe buýt...
Tại hội nghị tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức về thực hiện chương trình mới 2018 dành cho các giảng viên chủ chốt, được tổ chức trong tháng 8.2019 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Minh Giang, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã nêu thực tế: “Trước đây, khi tập huấn cho giáo viên do không có chương trình tổng thể nên giảng viên chỉ có thể dựa vào SGK và tập huấn cho giáo viên cụ thể các nội dung trong đó. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ được tìm hiểu cặn kẽ chương trình môn học, các tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt... Cách bồi dưỡng này có điểm tích cực là giúp giáo viên thoát được lối mòn cũ mà SGK trước đây đã mặc định.
“Chương trình mới sẽ không bó hẹp trong một bộ SGK mà mỗi môn học có thể có nhiều cuốn sách. Đây là nguồn tư liệu phong phú để các giáo viên tham khảo rồi từ đó xây dựng một kế hoạch bài dạy riêng, một cuốn sách riêng cho mình nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, đúng tính yêu cầu của chương trình mới”, bà Giang nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiền, Phó giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), cũng cho rằng: Trước nay dư luận nói nhiều về câu chuyện giáo viên phổ thông dạy theo lối mòn của giáo án, thậm chí hết năm này năm khác không thay đổi. Tuy nhiên, với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ dạy học theo chuẩn năng lực, phẩm chất của người học. Một giáo viên có thể chỉ biết 2 - 3 tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy, nhưng 5 giáo viên có thể đưa ra rất nhiều học liệu khác nhau và cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm tốt công việc.
Bộ GD-ĐT đang “nắm cái cần buông” ?
Nói cụ thể về câu chuyện SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, GS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho rằng: Bộ sách trên 40 năm mà các vùng miền đều dùng được nhưng thẩm định của Bộ GD-ĐT lại cho rằng không đạt yêu cầu so với chương trình mới. Không hiểu vai trò quản lý, chỉ huy của Bộ GD-ĐT thế nào khi mà cho thực nghiệm, nhân rộng sách của GS Đại đến 40 năm, có 931.000 HS đang học một cách tự nguyện. Dư luận đang rất xôn xao và đặt câu hỏi như vậy Bộ GD-ĐT đúng hay GS Hồ Ngọc Đại đúng? “Bộ GD-ĐT đang ở trong bi kịch là nắm cái cần buông và buông cái cần nắm”, ông Bảo nói.
Từ câu chuyện này, GS Đặng Quốc Bảo cho rằng phải chuyển từ mô hình nhà trường 2 - 4 - 8 (nhà trường chỉ gói gọn trong 2 bìa SGK, 4 bức tường và 8 giờ hành chính) sang nhà trường với mô hình thầy là người cố vấn, trò là người khám phá; nhà trường tạo ra được nhiều hoàn cảnh học tập; dạy cho HS cách tư duy chứ nếu học máy móc như hiện nay thì chẳng cần đến nhà trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.