Thẩm định cứng nhắc, nhiều bộ SGK cũng vẫn... như một?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/09/2019 08:21 GMT+7

Trung tâm công nghệ giáo dục gửi bản kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không đồng ý với việc sách của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá 'không đạt' ngay từ vòng 1.

Cách thẩm định sách giáo khoa mới khiến dư luận lo ngại tư duy “đồng phục”, coi sách giáo khoa là pháp lệnh vẫn đang hiện hữu.
Không đồng ý với kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) loại sách tiếng Việt và toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại ngay từ vòng 1, đại diện Trung tâm công nghệ giáo dục đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Không nên thẩm định sách theo thông tư

Bản kiến nghị gửi hôm qua (23.9) nêu: “Kết quả thẩm định này làm cho cán bộ của Trung tâm công nghệ giáo dục cùng nhiều giáo viên và phụ huynh ở 48 tỉnh thành (hiện đang có trên 900.000 học sinh lớp 1 đang học theo sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục) thắc mắc, bức xúc và nhiều người hoang mang”.
Trong văn bản gửi ý kiến tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện cán bộ Trung tâm công nghệ giáo dục cho rằng, ý kiến của Hội đồng thẩm định chỉ là những đánh giá trên lý thuyết, theo các tiêu chí cứng nhắc, trong khi bộ sách công nghệ giáo dục đã được thẩm định nhiều lần và được kiểm chứng trong thực tiễn, được cuộc sống đón nhận. “Bộ sách này không phải là bộ sách cần thay bằng bộ sách mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Sách tiếng Việt và toán công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần, do đó không nên chỉ đánh giá SGK công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà hội đồng thẩm định đang áp dụng”, kiến nghị khẳng định.

Khi thẩm định, nên lấy mục tiêu và kết quả của chương trình để đánh giá. Còn các tác giả đi bằng con đường nào, cách thức nào, thì phải tôn trọng và chấp nhận, mới tạo ra sự đa dạng phong phú và lợi ích của việc có nhiều bộ sách giáo khoa

Tiến sĩ Ngô Thị Tuyên

Mất ý nghĩa của mục tiêu có nhiều SGK/môn học

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT và ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới rất nhiều lần khẳng định cần phải chấm dứt tình trạng coi SGK là “pháp lệnh” như lâu nay. Tuy nhiên, có vẻ lời nói không đi đôi với việc làm, nếu vẫn giữ cung cách thẩm định SGK theo kiểu phải đạt đúng, đủ tất cả hàng trăm tiêu chí, chỉ  báo thì mục tiêu của thay đổi này sẽ không đạt được.
PGS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cũng là người ký bản kiến nghị gửi Thủ tướng và Bộ trưởng GD-ĐT, cho rằng: Từ việc sách công nghệ bị loại cho thấy việc thẩm định sách đang đi ngược lại tinh thần đổi mới. Chương trình giáo dục mới là chương trình mở để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh, để học sinh có thể phát huy tối đa sở trường của mình. Nhưng hội đồng thẩm định lại yêu cầu sách không được vượt chuẩn, nghĩa là một chương trình đóng.
Nghị quyết 29 chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, nhưng nếu thẩm định như vậy thì bản chất chỉ là một, vì cùng một khuôn. Tinh thần của chương trình mới là đúng nhưng thực hiện đang sai. Giáo dục phát triển năng lực là phải “nhiều món” để học sinh lựa chọn. Phải chấp nhận sự đa dạng SGK, miễn không vi phạm chính trị, khoa học, đáp ứng chuẩn yêu cầu tối thiểu. Còn khó hay dễ là cuộc sống, người dùng lựa chọn và đánh giá.
Tiến sĩ Ngô Thị Tuyên, một nhà nghiên cứu giáo dục, cũng nêu ý kiến: “Khi thẩm định, nên lấy mục tiêu và kết quả của chương trình để đánh giá. Còn các tác giả đi bằng con đường nào, cách thức nào, thì phải tôn trọng và chấp nhận, mới tạo ra sự đa dạng phong phú và lợi ích của việc có nhiều bộ SGK. Còn bộ sách có phù hợp với số đông, hay chỉ một ít học sinh, thì điều đó sẽ do thị trường điều tiết. Đừng nên giết chết các bộ sách có sự khác biệt nhưng vẫn đạt tốt chuẩn đầu ra. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân có sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục, từng chia sẻ với PV Thanh Niên: “Trước nay chúng ta “đồng phục” giáo dục nên tôi lo nhất là xây dựng theo hướng đóng vì về bản chất, chương trình là tối thiểu chứ không phải tối đa, còn khi đã xác định mở thì việc cần làm tiếp theo là xác định rõ ràng nó mở cho cái gì và mở như thế nào?”.
Ông Nam cũng chỉ ra những nội dung “mở” cụ thể cần có trong một chương giáo dục hiện đại; mở cho các địa phương bổ sung chương trình giáo dục phù hợp với địa phương; mở cho các môn học mới, phương pháp học tập mới sẽ hình thành trong tương lai mà khi xây dựng chương trình chúng ta chưa đoán định được; mở cho các mô hình giáo dục khác nhau...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.